Bảo tàng duy nhất về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào hoạt động

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có trụ sở tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng duy nhất về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào hoạt động

Sáng 27-8, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập.

Tham dự có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM và các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trụ sở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập.

Bảo tàng có 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn với lực lượng biệt động, gồm: các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã sử dụng; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn với hoạt động của lực lượng biệt động; dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; thiết bị thông tin liên lạc…

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận hiện vật lịch sử. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận hiện vật lịch sử. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại bảo tàng, lịch sử của Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện lên sống động qua lược đồ trên tấm bản đồ xưa của Sài Gòn - Gia Định.

Lần đầu tiên, hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân xây ngay trong lòng địch phục vụ các trận đánh huyền thoại của biệt động giữa lòng Sài Gòn, trong đó có Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Một bức tường Tưởng niệm cũng được xây dựng trang trọng trong không gian ấm cúng của bảo tàng.

Khách tham quan bảo tàng còn dễ dàng tra cứu hình ảnh và dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định…

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và đại biểu tại Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và đại biểu tại Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng kỷ vật. Từ những năm 1980, bằng tấm lòng và quyết tâm nung nấu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai cùng gia đình đã miệt mài đi tìm, chuộc và phục dựng từng căn nhà, những căn hầm, kỷ vật ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cám ơn đóng góp hiện vật cho Bảo tàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cám ơn đóng góp hiện vật cho Bảo tàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, thời gian tới, song song việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trên định hướng bảo tàng thông minh.

Theo đó, toàn bộ dữ liệu của bảo tàng sẽ được số hóa để lưu giữ tốt hơn; cho phép sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) nhằm tái hiện các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Việc số hóa cũng sẽ lan tỏa và giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu hơn về di sản lịch sử này.

Ngày 21-6-2023, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng chịu sự quản lý của Nhà nước và thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân TPHCM, nhất là các bạn trẻ và du khách nước ngoài; nằm trong chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang TPHCM.

Tin cùng chuyên mục