Bảo tàng điện ảnh: Nên hay không?

Trong phương hướng, nhiệm vụ được Đại hội Hội Điện ảnh TPHCM nhiệm kỳ VIII (2020 - 2025) đặt ra, có một công việc rất được chú trọng: Làm thế nào để hiện thực hóa ước mơ xây dựng phòng truyền thống điện ảnh TPHCM và Nam bộ.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhấn mạnh: Kế hoạch và mục tiêu của hội chỉ là xây dựng Phòng truyền thống Điện ảnh TPHCM và Nam bộ chứ chưa dám mơ đến việc xây bảo tàng điện ảnh. Phòng truyền thống này trước mắt cũng chỉ dừng lại ở việc phục vụ tham quan, tìm hiểu, giáo dục cho các hội viên của hội.

Tâm nguyện này xuất phát từ việc có rất nhiều hiện vật ngành điện ảnh của Xưởng phim Giải Phóng và Xí nghiệp Phim Tổng hợp đang được lưu giữ tại Bình Dương trên diện tích 1.000m2 của Hãng phim Giải Phóng (nay là Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng). Hiện phía hội đang xin chủ trương và kinh phí của UBND TPHCM để có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Nhìn vào lịch sử ngành điện ảnh Việt Nam nói chung và sự phát triển của điện ảnh TPHCM ngày nay, việc xây dựng một phòng truyền thống ở khu vực phía Nam, hay quy mô hơn là một bảo tàng cho điện ảnh Việt Nam là điều có thể thực hiện được. Nói như vậy là vì điện ảnh Việt còn kho hiện vật rất lớn của Hãng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Đó còn chưa kể đến rất nhiều cá nhân nghệ sĩ cũng đang lưu giữ không ít hiện vật quý giá.

Trước khi phòng truyền thống hay bảo tàng điện ảnh đúng nghĩa ra đời, một số cá nhân đã đứng ra tự thành lập “bảo tàng” cho riêng mình. Đơn cử như nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt (nghệ danh Quang Đạt) đã xây dựng một bảo tàng điện ảnh tư nhân trên phần đất của gia đình tại huyện Hàm Tân (Bình Thuận) với rất nhiều máy quay, máy ảnh, radio cổ, máy hát quay đĩa, chân máy bằng gỗ, đạo cụ…

ột quán cà phê ở Hà Nội cũng từng được xem là bảo tàng điện ảnh mini với vô số hiện vật, đạo cụ giá trị. Nếu có đề án xây dựng bảo tàng chỉn chu và khả thi, chắc chắn không ít nghệ sĩ hay những người gắn bó với điện ảnh sẽ sẵn lòng trao tặng hiện vật.

Một câu hỏi đặt ra: Việc xây dựng bảo tàng điện ảnh ngoài chức năng trưng bày, giới thiệu hiện vật làm thế nào để nó phát huy hết giá trị cũng như thu hút công chúng? Trên thế giới, có nhiều bảo tàng điện ảnh trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo khách du lịch. Điện ảnh Việt với một thời vàng son và đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ để trở thành ngành công nghiệp thực thụ có vô số hiện vật, câu chuyện, thước phim quý… đủ để kích thích trí tò mò, khám phá của công chúng. Chưa kể, với công nghệ điện ảnh phát triển, nếu biết kết hợp để tăng tính tương tác, kết nối thì không gian này sẽ không đơn thuần chỉ dành cho những người làm nghề hay yêu điện ảnh.

Dĩ nhiên, câu chuyện làm thế nào để có bảo tàng điện ảnh không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng ý tưởng đó cần có kế hoạch triển khai thật sự chuyên nghiệp với tầm nhìn chiến lược. Bài học nhãn tiền về nhiều bảo tàng “vắng như chùa Bà Đanh” vẫn còn nguyên giá trị.

Tin cùng chuyên mục