
Bảo tàng Đà Nẵng là công trình văn hóa được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, thẩm mỹ và cơ sở vật chất hiện đại. Với gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách.
Không gian trưng bày được thiết kế một cách khoa học với 9 chuyên đề lớn: Bức tường ảnh Tổng quan về TP Đà Nẵng; Thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử Đô thị Đà Nẵng; Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc; Chứng tích chiến tranh; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; Đa dạng văn hóa; Tòa thị chính Đà Nẵng; Sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng.

Năm 2020, TP Đà Nẵng đã quyết định di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và sử dụng trụ sở của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng số 42-44 đường Bạch Đằng (nguyên là Tòa Đốc lý được xây dựng từ cuối thập niên 1890) làm Bảo tàng Đà Nẵng mới.
Dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng được khởi công từ giữa năm 2021, nhằm tạo hạ tầng để tiếp nhận, trưng bày hiện vật của Bảo tàng Đà Nẵng. Dự án được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt với tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, xác định việc cải tạo, xây dựng công trình Bảo tàng Đà Nẵng từ một tòa nhà lịch sử đặc biệt quan trọng, các cơ quan chức năng của thành phố đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giữ lại một cách hoàn chỉnh nhất của kiến trúc trước đây. Đồng thời, các khu vực xây mới được thực hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, hài hòa với cảnh quan, tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo, đầy ấn tượng bên bờ sông Hàn.
"Bảo tàng Đà Nẵng sẽ trở thành một chiếc cầu nối giữa những sự kiện, cột mốc, các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố với hiện tại, nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu với quê hương, đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh trong mỗi người dân thành phố trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên phát triển mới", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Dịp này, TP Đà Nẵng cũng đầu tư xây dựng tượng Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố. Công trình gồm tượng Bác Hồ cao 2,7m bằng đá cẩm thạch, đặt tại trung tâm khuôn viên, cùng bức phù điêu dài 15m, khắc họa hình ảnh Khuê Văn Các và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Dự án nhằm tôn vinh tinh thần hiếu học của Bác Hồ và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ là một địa điểm văn hóa quan trọng để nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng được chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác.
Tòa nhà 42 Bạch Đằng trước đây là Tòa Đốc lý, Tòa thị chính Đà Nẵng, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã 125 năm tuổi, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách Tân cổ điển, khởi công năm 1898 và khánh thành năm 1900. Ban đầu, đây là nơi làm việc của các đời Đốc lý Tourane. Tháng 7 năm 1945, là nơi làm việc của Thị trưởng Tourane do Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm.
Không chỉ mang tính biểu tượng, Tòa Thị chính còn là nhân chứng cho thời khắc lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng với sự kiện ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.