Kỷ vật kể chuyện
Tự hào, cảm phục và biết ơn, đó là cảm nhận chung của mỗi người khi đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nơi đang lưu giữ hơn 7.000 tài liệu, hiện vật khắc họa chân thực, sinh động hình ảnh của quân và dân ta từ những ngày “nếm mật nằm gai” cho đến thời khắc giành được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thu hút sự quan tâm nhiều nhất của du khách là những chiếc xe đạp thồ. Chị Cao Thị Nữ, hướng dẫn viên bảo tàng, cho biết: “Chúng tôi đã không ít lần chứng kiến nhiều du khách Pháp dừng lại rất lâu để xác nhận xem chiếc xe đạp dùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa có phải mang nhãn hiệu Peugeot sản xuất ở Pháp hay không. Các du khách quốc tế cũng vô cùng kinh ngạc khi biết binh đoàn xe đạp thồ khi ấy lên tới gần 21.000 chiếc và chỉ bằng sức người đã đưa được trên 25.000 tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch. Có những câu chuyện đã trở thành huyền thoại khiến khách tham quan sửng sốt, như chuyện ông Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) đã gia cố chiếc xe đạp để có thể chở tới 325kg hàng”.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chính tướng Henri Navarre (Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương) đã phải thốt lên rằng, một trong những lý do khiến quân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ chính là từ những chiếc xe đạp thồ thô sơ, được điều khiển bởi những người dân công ăn không đủ no, mặc không đủ ấm... Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), cũng đã viết những dòng chữ “Kỳ diệu và phi thường…” để bày tỏ lòng biết ơn và khâm phục lòng yêu nước, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ khi đứng trước hàng ngàn tư liệu, hình ảnh, hiện vật của đoàn xe thồ tham gia công tác hậu cần chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Sống xứng đáng với thế hệ tiền nhân
Nguyễn Quang Dũng, sinh viên năm 3 Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Hà Nội) chia sẻ, chỉ khi đi đến tận nơi, tận mắt thấy những hiện vật trưng bày trong bảo tàng và ngoài thực địa, nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện, cậu mới cảm nhận hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến và sự vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một trong những hiện vật đặc biệt ấn tượng với Dũng là khẩu sơn pháo 75mm và câu chuyện về người anh hùng Phùng Văn Khầu.
Khi làm quen với vũ khí mới này, anh hùng Phùng Văn Khầu còn chưa biết chữ, nhưng anh đã kiên trì, nhẫn nại, tìm ra cách riêng để tiếp cận và trở thành người chỉ huy khẩu đội sơn pháo, liên tiếp bắn hạ nhiều mục tiêu, chi viện đắc lực cho bộ binh đánh chiếm các điểm cao của địch. Hay câu chuyện xúc động về ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để đóng bánh xe tải lương thực phục vụ chiến dịch. Dũng tâm sự, những cảm xúc đó thật đặc biệt, khác hẳn với những bài học lịch sử khô khan.
Chị Lương Thị Hồng Lưỡng, người có thâm niên 18 năm làm việc tại bảo tàng, kể: Từ đầu năm 2024, lượng khách đến rất đông, gấp đôi so với trước đây, trung bình mỗi ngày chị phải dẫn 10 đoàn khách. “Mỗi đoàn khách, việc giới thiệu các hiện vật lại cho tôi những cảm xúc riêng. Với khách nước ngoài là niềm tự hào, với khách trong nước lại là cảm xúc về sự thiêng liêng, lòng biết ơn. Làm cho những hiện vật trong bảo tàng “lên tiếng”, tôi mong muốn giúp du khách phần nào hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến cách đây 70 năm; sự anh hùng quả cảm, mưu trí của quân đội Việt Nam và tầm vóc lớn lao của Chiến thắng Điện Biên Phủ”.