Trần Trọng Nghĩa (sinh viên Đại học RMIT, TPHCM) là cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Năm Lai) - một thành viên của đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn dưới vỏ bọc là nhà tư sản Mai Hồng Quế.
Bảo tàng mang tên Biệt động Sài Gòn nằm ở tầng 2 của một căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải (quận 1). Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Theo Trọng Nghĩa, bạn mong muốn để nhiều người biết đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, nhất là các bạn trẻ, nên cùng gia đình quyết tâm phục dựng nơi này. Nhưng nếu chỉ là nơi khách ghé đến, tham quan một chút rồi đi thì sẽ không để lại ấn tượng, nên Nghĩa đã nảy ra ý tưởng biến tấu, đan xen không gian quán cà phê ở bảo tàng trưng bày để có thể thu hút du khách, thu hút người trẻ đến tìm hiểu lịch sử. Năm đó, Nghĩa mới là học sinh lớp 11...
Trong một chuyến tham quan tại Singapore, Trọng Nghĩa vô cùng thích thú khi nhìn thấy những công nghệ tối tân trong một viện bảo tàng - những hình ảnh ảo có thể tương tác với con người và sống động y như thật. Trọng Nghĩa đã lên ý tưởng và vẫn luôn hy vọng công nghệ đó sẽ có thể có mặt tại “bảo tàng thông minh” của gia đình mình. Sau đó, qua tìm hiểu, Nghĩa được biết Việt Nam đã có công nghệ đó và nhờ sự hỗ trợ của những người có chuyên môn, chàng trai 18 tuổi đã ứng dụng 4 công nghệ hiện đại tại bảo tàng: Chiếc bàn thông tin tích hợp thông tin lịch sử; công nghệ chiếu phim lịch sử trên mọi bề mặt, không cần điều khiển mà chỉ cần chạm tay vào bề mặt tường; công nghệ kính thực tế ảo VR để người xem hóa thân thành những chứng nhân lịch sử qua hình ảnh 3D; công nghệ mapping, hình ảnh hoa văn cây cỏ sẽ chiếu chuyển động.
Ban đầu khi bày tỏ ý tưởng “bảo tàng thông minh”, Nghĩa nhận được… sự phản đối từ gia đình. Nhưng bạn kiên trì thuyết phục và Nghĩa đã được thử sức với những suy nghĩ táo bạo của mình. Nghĩa nói: “Ông nội em là một trong những người góp phần làm nên lịch sử Biệt động Sài Gòn, ba em là người tiếp nối và thổi cho ngọn lửa lịch sử đó sống mãi trong gia đình em, còn em là người làm cho lịch sử đó sống động hơn”. Nghĩa mong rằng những người trẻ sẽ không bao giờ quên đi lịch sử hào hùng của dân tộc và với suy nghĩ đó, “bảo tàng thông minh” của Nghĩa hoạt động hoàn toàn miễn phí. Đến bảo tàng, người trẻ hăng say tìm hiểu lịch sử, chính là “lợi nhuận” lớn nhất mà Nghĩa mong đạt được.