Do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phú Quý có gió giật mạnh cấp 8, Nha Trang có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Khu vực ven biển Nam Trung Bộ đã có mưa to (50-80mm/12 giờ).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trong bản tin mới nhất cho biết, hồi 10 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh: TTDBKTTVTW Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 22 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vị trí và đường đi của bão số 9 qua vệ tinh. Ảnh: TTDBKTTVTW Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Tại TPHCM từ chiều và đêm nay có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Cũng trong sáng nay 24-11, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM,cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị tất cả trường học các cấp ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác bắt đầu từ 12 giờ ngày 24-11-2018 để tránh bão số 9”.
Từ chiều và đêm nay (24-11) TPHCM có mưa rất to và có khả năng dông, lốc xoáy Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25-11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay 24-11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24-11).
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến ngày 27-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
* Trong khi đó, để chủ động ứng phó với con bão số 9 sắp đổ bộ, hiện tại tất cả các công trình khu vực Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã được dừng thi công, vận hành, neo buộc chắc chắn tránh ngã đổ. Công nhân trực theo ca, các tổ ứng phó đã sẵn sàng ứng phó bão. Tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã có gió giật mạnh cấp 8.
Đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 8. Ảnh: NGUYỄN TIẾN Hồi 10 giờ ngày 24-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo công tác triển khai chỉ đạo, phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 9.
Theo đó, Trong 6 giờ vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã có gió giật mạnh cấp 8, từ trưa và chiều nay (24-11) tăng lên cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Trên đất liền, mực nước trên tất cả các sông tại tỉnh Bình Thuận đến 7 giờ cùng ngày ngày đều dao động thấp hơn báo động cấp I.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, hiện tại, tất cả tàu thuyền của tỉnh đã vào bến neo đậu an toàn. Cụ thể, tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 7.183 chiếc/38.822 lao động. Trong đó, có một phương tiện bị chìm trên biển (tàu BTh 99740 TS bị chìm ngày 22-11), gia đình chủ phương tiện sẽ trục vớt khi bão tan.
Khu nuôi thủy sản trên biển thuộc đảo Phú Quý đã được chằng buộc chắc chắn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN Về lồng bè nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh hiện có 93 bè/240 lao động. Đến nay, các chủ bè nuôi thủy sản đã chằng buộc chắc chắn, an toàn và thực hiện nghiêm lệnh cấm không để người lao động ở lại trên lồng bè, chòi canh trên biển.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã tạm dừng vận hành, thi công để ứng phó cơn bão số 9. Ảnh: NGUYỄN TIẾN Riêng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân) khi có bão đổ bộ sẽ di dời người lao động vào các nhà kiên cố của dự án.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, hiện tại, tất cả các công trình khu vực nhà máy đã được dừng thi công, vận hành, neo buộc chắc chắn tránh ngã đổ. Công nhân trực theo ca, các tổ ứng phó sẵn sàng ứng phó bão.
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) có 5 nhà máy nhiệt điện than, 2 nhà máy đã đi vào vận hành, số còn lại đang được xây dựng và chạy thử nghiệm. Hiện tại, nơi đây đang có 1.831 lao động, trong đó có 134 người nước ngoài.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với con bão số 9 sắp đổ bộ, ngành chức năng huyện Phú Quý đã tổ chức di dời 189 hộ dân, với 912 người dân ở các điểm xung yếu đến nơi an toàn. Công tác bố trí các khu vực để người dân trú bão cũng đã được hoàn tất.
Bên cạnh đó, ngoài các khu vực đã được UBND huyện Phú Quý bố trí để người dân tránh bão, một số nhà nghỉ, khách sạn ở huyện đảo như: Nhà nghỉ Thái Bình, khách sạn Hưng Phát,... đã phát đi thông báo sẵn sàng mở cửa đón người dân vào ở miễn phí khi bão đổ bộ.
* Cũng trong sáng sớm 24-11, những ảnh hưởng đầu tiên của cơn bão số 9 đã xuất hiện tại TP Vũng Tàu với cơn mưa nặng hạt và có gió thổi mạnh khiến hàng trăm du khách nháo nhào.
Theo kế hoạch trong buổi sáng nay, TP Vũng Tàu sẽ di dời 36.752 người/16.500 hộ ra khỏi những vùng gần biển, gần núi có nguy cơ sạt lở cao. Trong cuộc họp ngày 23-11, điều mà lực lượng Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lo lắng là việc di dời hơn 700 người dân tại 11.361 lồng nuôi trên các sông bởi ở những đợt di dời của các cơn bão trước, người dân rất ngoan cố, đã đưa vào bờ rồi lại quay lại giữ tài sản trên lồng.
Đại điện UBND TP Vũng Tàu cho biết sẽ phối hợp lực lượng chức năng cương quyết đưa người dân lên bờ tránh trú bão.
SONG NGUYÊN - NGUYỄN TIẾN