Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, sáng nay 23-11, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác từ Hà Nội vào TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão này.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã dự báo, tâm bão số 9 đổ bộ vào Nam Trung bộ nhưng theo diễn biến hiện nay thì tâm bão đang lệch dần về phía Nam với đích đổ bộ có thể là Đông Nam bộ mà TPHCM và Vũng Tàu là khu vực trong tâm bão.
Theo kế hoạch, từ sáng sớm 24-11, đoàn công tác của ông Nguyễn Xuân Cường sẽ có mặt tại TPHCM và đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão, tình hình di dân tránh bão tại huyện Cần Giờ.
Sau đó, đoàn công tác sẽ có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu để kiểm tra khu vực neo đậu tàu tránh trú bão.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về tình hình chuẩn bị ứng phó bão sáng nay 23-11, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.137 phương tiện tàu thuyền với 330.712 người biết thông tin về cơn bão.
Theo kiểm kê, hiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão là 3.855 tàu/23.509 người. Các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Hoạt động trên các vùng biển khác: 13.640 tàu/80.631 người. Neo đậu tại bến: 46.642 tàu/226.572 người.
Tỉnh Bình Thuận đã cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16 giờ chiều qua còn tại huyện đảo Phú Quý sẽ bắt đầu cấm tàu từ trưa nay.
Tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học từ ngày 23-11 đến hết ngày 25-11.
Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương thực thiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9. Khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn 3.855 tàu với 23.509 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm 24 giờ tới tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ đảm bảo an toàn.
Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân.