Bão số 9 khiến TPHCM mưa tầm tã không ngớt, nhiều đường ngập nặng, hàng chục cây xanh ngã đổ
SGGPO
Nhiều khu vực ở TPHCM trời chuyển đen kịt, có mưa lớn, nhiều nơi bị nước ngập tới hơn nửa phương tiện lưu thông. Vì vậy, hàng loạt xe ô tô, xe gắn máy phải bật đèn xe khi lưu thông do bị hạn chế tầm nhìn.
>> Clip ghi nhận của phóng viên SGGPO
Chiều 25-11, nhiều khu vực quận huyện ở TPHCM như: quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận 5, quận Gò vấp, huyện Bình Chánh,… có mưa lớn tầm tã, kéo dài trong nhiều giờ, do ảnh hưởng từ cơn bão số 9.
Theo ghi nhận của phóng viên SGGPO, khoảng 15 giờ cùng ngày, nhiều khu vực ở TPHCM trời chuyển đen kịt, có mưa lớn, nhiều nơi bị nước ngập tới hơn nửa phương tiện lưu thông. Vì vậy, hàng loạt xe ô tô, xe gắn máy phải bật đèn xe khi lưu thông do bị hạn chế tầm nhìn.
Hàng loạt xe ô tô, xe gắn máy phải bật đèn xe khi lưu. Ảnh: CHÍ THẠCH
Anh Nguyễn Anh Duy (33 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cho biết, trời mưa lớn và đen ngòm, từ trưa tới giờ vẫn chưa ngớt nên phần lớn người dân đi trên đường Phạm Văn Đồng phải bật đèn xe để thấy mà tránh nhau.
Tình trạng trên cũng diễn ra tại các tuyến đường khác như: Hiệp Bình, Tam Bình, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Văn thuộc quận Thủ Đức và nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM.
Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh không chỉ làm người dân khó lưu thông mà còn khiến nhiều cây xanh ở các tuyến đường quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức... bị bật gốc ngã xuống đường, hết sức nguy hiểm.
>> Một số hình ảnh phóng viên SGGP ghi nhận ở TPHCM:
Ảnh: CHÍ THẠCH
Ảnh: CHÍ THẠCH
Ảnh: CHÍ THẠCH
Ảnh: CHÍ THẠCH
Khu vực quận 5 từ 17 giờ bắt đầu ngập nước. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đường 20, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM ngập sâu, người dân phải dắt bộ xe máy, ngày chiều 25-11-2018. Ảnh: TRUNG THU
Nước ngập sâu trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM ngập sâu. Ảnh: TRUNG THU
Đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM cũng chìm sâu trong nước, tối 25-11-2018. Ảnh: TRUNG THU
Đường 20, phường 5, Gò Vập bị ngập nặng. Ảnh: TRUNG THU
Ảnh: TRUNG THU
Ảnh: TRUNG THU
Đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM cũng ngập sâu trong nước, tối 25-11-2018. Ảnh: TRUNG THU
--------------------------
Nhiều cây xanh bị ngã do cơn bão số 9
Tính đến 18 giờ ngày 25-11, có gần 20 cây xanh trên địa bàn TPHCM bị ngã, bật gốc, gãy nhánh do ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Theo công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, có 11 cây bị ngã, 3 cây gãy nhánh. Ngoài ra, vẫn còn một số cây đã bị ngã đổ, gãy nhánh mà nhân viên đang khắc phục sự cố.
Cây xanh trên Thị trấn Cần Thạnh bị bật gốc
Theo UBND huyện Cần Giờ, trên địa bàn Thị trấn Cần Thạnh có 5 cây xanh bị bật gốc, 2 nhà cấp 4 bị tốc mái dù đã chằng chống. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các lực lượng trực bão đã nhanh chóng xử lý, hỗ trợ.
Nhân viên cây xanh đang khắc phục sự cố trên địa bàn huyện Cần Giờ
Trên địa bàn xã Lý Nhơn, có 3 cây trụ điện bị nghiêng đã được nhân viên Công ty Điện lực Duyên Hải khắc phục.
Trước đó, Bản tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát lúc 14 giờ ngày 25-11 cho biết, do ảnh hưởng bão số 9, chiều và đêm 25-11, khu vực TPHCM có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường sẽ gây ngập lụt.
Về cơn bão số 9, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trước khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Bến Tre, bão ít di chuyển và có cường độ suy giảm.
Trưa 25-11, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre.
Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.
Đến 1 giờ ngày 26-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động. Sóng trên biển cao từ 2-4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam bộ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm 25-11 đến đêm 27-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên có mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).