Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, chiều tối 18-12, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, khu vực ven biển các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa xảy ra mưa và gió giật mạnh, biển động dữ dội.
Tại khu vực đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gió giật cấp 6 đến cấp 7 và càng về tối càng tăng mạnh. Tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn tất hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà ở, tổ chức di dời, sơ tán bà con trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Dự kiến toàn tỉnh phải di dời, sơ tán hơn 7.800 người tại 22 xã ven biển và huyện Lý Sơn để tránh trú bão.
Trong ngày 18-12, hàng trăm ngư dân xã biển Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) nỗ lực di dời 500 thuyền thúng vào sâu trong khu vực dân cư, lên các gành núi có bụi rậm để tránh trú gió bão, triều cường.
“Đến chiều 18-12, khoảng 99% thuyền thúng của ngư dân được néo cột an toàn. Nếu tối 18 hoặc sáng ngày 19, gió bão mạnh, chúng tôi sẽ đưa người già, trẻ nhỏ sơ tán đến trú ở trường học, trụ sở UBND xã. Một số người dân cũng đã chủ động đến tránh bão ở nhà kiên cố của người thân”, một cán bộ xã Xuân Hải cho biết.
Ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), người dân đã chằng chống, gia cố an toàn gần 85.000 lồng, bè và 600ha ao đìa nuôi trồng thủy sản. Chính quyền thị xã Sông Cầu thông báo sẽ cưỡng chế những hộ dân không tuân thủ quy định phòng chống bão.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã yêu cầu các hồ thủy điện đầu nguồn sông Ba, sông Kỳ Lộ theo dõi sát tình hình mưa bão để vận hành, điều tiết lũ, không gây lũ kép hạ du. Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ vào đất liền, cường bộ bão cấp 12, 13, Phú Yên dự kiến di dời, sơ tán khoảng 25.000 hộ.
Trong khi đó, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, khu vực cửa biển vịnh Quy Nhơn có thể bị bão số 9 ảnh hưởng mạnh nhất, nên ngành chức năng đã bố trí 8 tàu lai dắt cùng tàu cứu nạn và tàu hải quân duy trì 100% quân số để ứng phó mọi tình huống xấu. Hơn 3.000 tàu cá xa bờ của Bình Định đã di chuyển đến nơi neo đậu an toàn tại các cảng cá miền Trung và phía Nam. Trong đó, 80 tàu cá trong vùng nguy hiểm bão số 9 ở khu vực đảo Trường Sa đã di chuyển đến nơi neo đậu an toàn ở các cụm đảo Sinh Tồn, Núi Le (thuộc quần đảo Trường Sa). Các khu neo đậu cảng cá Quy Nhơn, cảng Đề Gi cũng đã tiếp nhận trên 900 tàu cá neo trú và có thể tiếp nhận thêm các tàu lai vãng trong khu vực.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cho biết, từ trưa đến 14 giờ ngày 18-12, bão số 9 quét qua đảo gây mưa kèm gió giật cấp 13-14, biển động dữ dội, nhất là đảo Song Tử Tây và Đá Nam. Cán bộ chiến sĩ, người dân và các thuyền viên đều nắm thông tin bão, tránh trú nơi an toàn. Thuốc men, lương thực cũng được chuẩn bị kỹ. Nhà cửa được chằng chống kiên cố.
Trong ngày 18-12, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào bờ hoặc hướng dẫn tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, các địa phương ven biển xuống tận nơi rà soát hơn 47.400 căn nhà cần chằng chống trên địa bàn. Đối với 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500m, đến sáng 18-12, cơ quan chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000m³ đá hộc và nhiều phương tiện cùng lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.
Ngành chức năng và chính quyền các địa phương Cà Mau đã hướng dẫn chủ 1.273 lồng bè trên biển gia cố, di chuyển vào khu vực bảo đảm an toàn chống bão. Tỉnh cũng yêu cầu 480 người canh giữ đáy hàng khơi di chuyển vào bờ trước 36 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng đến Cà Mau.