Triển khai ngay các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 12-10, tâm bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc, mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Chiều 13-10, tâm bão nằm ngay trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó đi vào phía Nam vịnh Bắc bộ. Ngày 14-10, bão sẽ đi vào đất liền thuộc khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Khi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp ở Thái Lan.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 13-10 đến ngày 14-10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; một số nơi ở phía Bắc của hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 kết hợp không khí lạnh. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ chiều 13-10, khu vực Bắc bộ và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa trên 200mm/đợt; khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Từ ngày 15-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên ở Trung bộ tiếp tục mưa to đến rất to.
Để tàu thuyền không đi vào khu vực bão, 7 tỉnh có lệnh cấm biển gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế dự kiến sơ tán 247.997 người dân tránh bão.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương và bộ ngành, cơ quan thành viên liên quan cần triển khai ngay các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại bởi cơn bão này. Các tỉnh, thành phố, các bộ ngành tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để phòng tránh; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền. Trên đất liền, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó cần có phương án hỗ trợ người dân di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, nhất là hỗ trợ về lương thực và nơi tránh trú khi bão đổ bộ và xảy ra mưa lớn.
Mưa lớn gây ngập lụt nhiều địa phương
Trong ngày 12-10, các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa to do ảnh hưởng của bão số 8. Các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống trước khi bão số 8 đổ bộ.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, cho biết, hơn 3.400 tàu thuyền của Nghệ An đã về nơi trú tránh an toàn. Các hồ đập lớn như Vực Mấu, Sông Sào; các thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ, Khe Bố… được lệnh vận hành xả lũ theo quy trình.
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, theo ghi nhận Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Hội (huyện Nghi Xuân) và Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh) đã có hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh được ngư dân, lực lượng chức năng đưa vào neo đậu tránh trú bão an toàn. Tại các xã bãi ngang vùng ven biển, bà con ngư dân huy động nhân lực di chuyển tàu thuyền (tàu dưới 30CV) vào các khu vực rừng phi lao phòng hộ tránh trú bão.
Từ tối 11-10 đến ngày 12-10, một số xã vùng trũng thấp của huyện Vũ Quang, bị ngập lụt cục bộ, gây khó khăn cho việc lưu thông qua lại trên một số tuyến đường giao thông. Bộ Chỉ huy BĐ-BP Hà Tĩnh cho biết, huy động 21 tàu, xuồng, ca nô, 22 ô tô cùng nhiều áo phao và các phương tiện, vật dụng liên quan; lập 5 đoàn kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão tại các địa bàn.
Tại Quảng Bình, ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, cho biết, mưa nhiều ngày qua gây đợt lũ thứ 4 tại bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, 800 đồng bào Rục tiếp tục bị lũ vây. Huyện Minh Hóa đã tiếp tế cho đồng bào Rục 5 tấn gạo chống đói. Cùng ngày, mưa lớn trên diện rộng tại Quảng Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi hơn 6.000 tàu cá vào tránh trú bão an toàn.
Tại Quảng Trị, hiện có 126 đập, hồ chứa thủy lợi đạt dung tích trung bình khoảng 50,69% so với dung tích thiết kế. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.