Bão di chuyển nhanh
Chiều 23-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các thành viên, bộ, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… để triển khai nhiệm vụ khẩn cấp ứng phó bão số 6.
Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, bão số 6 sẽ gây mưa vừa đến mưa to (có nơi trên 250mm) tại khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Tây Nguyên; khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có nguy cơ ngập lụt; nhiều nơi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo báo cáo của các lực lượng chức năng thì đến tối 23-9, tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận chỉ còn 28 tàu trong vùng nguy hiểm của bão số 6. Các tàu này đều đã nắm được thông tin về bão và đang nhanh chóng di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận xét, đây là cơn bão được hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển nhanh vào đất liền, nên phải triển khai ứng phó kịp thời tới các địa phương. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương phải kết hợp công tác phòng chống bão với phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, không để vì bão mà không kiểm soát được dịch.
Phó Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã tổ chức test nhanh thuyền viên, ngư dân của các tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão để kịp thời phát hiện các ca dương tính; bố trí, sắp xếp phù hợp cho thuyền viên, ngư dân tránh bão an toàn. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng khẩn trương hướng dẫn, đưa các tàu thuyền còn lại về bờ an toàn.
Chủ động triển khai ứng phó
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, ngay từ trưa 23-9, người dân ở khu vực ven biển tỉnh Quảng Nam đã chủ động đưa tàu thuyền, ghe máy vào âu thuyền, bãi ngang tránh trú bão. Tại TP Hội An, các cơ quan chức năng tiến hành chèn chống đảm bảo an toàn các di tích, bảo tàng văn hóa… tổ chức di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Trong ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu các địa phương cắt cử lực lượng kiểm tra để ngăn chặn người dân chủ quan ra khơi đánh bắt ven bờ; tổ chức sơ tán người dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh. Cùng đó, kiểm tra công tác dự trữ lương thực, mặt hàng thiết yếu ở các địa phương, nhất là địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão, lũ. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày.
Tại khu vực ven biển Đà Nẵng, do người dân đã chủ động gia cố, chèn chống nhà cửa, đưa tàu thuyền lên bờ từ cơn bão số 5, nên khá an tâm với bão lần này. Đến nay tất cả tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang vẫn chưa ra khơi; nhiều tàu công suất nhỏ, thuyền thúng vẫn còn nằm trên bờ.
Từ trưa 23-9, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn trong lúc mưa bão xảy ra.
Tối 23-9, tại các xã ven biển của huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) như: Tam Tiến, Tam Hải, Tam Quang đã xuất hiện gió mạnh khiến cây cối ngã đổ, trên 10 nhà dân bị tốc mái, sóng biển cao từ 2-3m.
Ngay trong đêm 23-9, chính quyền xã Tam Tiến đã di dời người dân trong các nhà bị hư hại nặng và một số khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Còn tại khu vực hạ du sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) mưa to đã làm một số vùng dân cư ngập cục bộ. Xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), gió lớn đã làm hàng chục nhà dân bị cuốn sập, tốc mái, trong đó có 7 nhà bị sập hoàn toàn.
Lúc 20 giờ 30 tối 23-9, trao đổi với PV Báo SGGP qua điện thoại, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết, trên địa bàn huyện đã có gió mạnh kèm theo mưa lớn khiến 10 nhà dân ở thôn Tây (đảo Lý Sơn) bị hư hỏng, tốc mái, người dân đã được di dời đến nơi an toàn. Trên đảo Lý Sơn có khoảng 300ha hành, tỏi của người dân vẫn chưa kịp thu hoạch, khả năng thiệt hại là rất lớn.
Tối 23-9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Rạng sáng 24-9, bão số 6 đi vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến chiều 24-9, vùng áp thấp sẽ nằm trên khu vực Nam Lào. |