Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, chỉ còn khoảng 8 tiếng nữa là cơn bão số 5 sẽ đổ ập vào các tỉnh ở Nam Trung bộ.
Bão số 5 được nhận định là cơn bão di chuyển nhanh và tăng cấp bất ngờ. Cường độ dự kiến mạnh nhất của bão số 5 (Matmo) ở cấp 9, giật cấp 11-12 trước khi hướng thẳng vào các tỉnh Nam Trung bộ vào tối nay. Vì vậy, có thể coi đây là 1 cơn bão nhanh và nguy hiểm.
Vì vậy, sáng nay cơ quan dự báo của Việt Nam đã phát tin báo khẩn cấp. Theo đó, trong sáng nay, bão số 5 đã mạnh lên.
Hồi 7 giờ sáng, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc - 111,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc - 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90km/giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Từ trưa và chiều nay (30-10), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10-11; Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7; Gia Lai, Đắk Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Mưa rất lớn ở Trung bộ và Tây nguyên: Trong 2 ngày 30 và 31-10, ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt).
Từ ngày 31-10 đến ngày 2-11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).
Cảnh báo: Từ ngày 4 đến ngày 5-11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung bộ.
Đề nghị chính quyền địa phương và người dân các khu vực, nằm trong vùng nguy hiểm của bão cần khẩn trương chuẩn bị các phương án phòng tránh trú bão an toàn trước trưa nay 30-10.
Các khu vực ven biển bao gồm các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận khẩn trương chằng chống, neo đậu tàu thuyền vào khu vực an toàn, và di dời các hộ dân ven biển trước 12 giờ trưa nay 30-10.
Theo ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mặc dù chiều nay bão vào nhưng đáng lo lắng là hiện nay vẫn còn 557 tàu với 6.230 người hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Chủ trì cuộc họp giao ban chỉ đạo triển khai ứng phó cơn bão số 5 sáng nay là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó với cơn bão này.
Vấn đề an toàn hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ đang thi công, sửa chữa, nâng cấp, Tổng cục Thủy lợi cần tiếp tục kiểm tra, rà soát.
Riêng hồ thủy điện, đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các chủ hồ chứa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình vận hành hồ, không được tích nước đối với các hồ đang thi công để đảm bảo an toàn.
Về nguy cơ sạt lở đất ở khu vực miền núi, cần chủ động lực lượng, phương tiện thông tin liên lạc để kịp thời nắm tình hình phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả.
Riêng đối với 557 tàu cá chưa vào bờ, các lực lượng chức năng cần phối hợp với chính quyền các địa phương phải có ngay giải pháp kêu gọi các tàu thuyền vào bờ.
Các địa phương ven biển, nhất là các khu du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho du khách ở khu vực này.
Quảng Ngãi: Vẫn còn 418 tàu đang hoạt động trên các vùng biểnTheo báo cáo nhanh về việc triển khai ứng phó bão số 5, tính đến 9 giờ ngày 30-10, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 418 tàu với 5.050 lao động. Cụ thể, vùng biển quần đảo Hoàng Sa 111 tàu/820 lao động, vùng biển quần đảo Trường Sa 118 tàu/2.626 lao động, vùng biển các tỉnh phía Bắc 16 tàu/111 lao động, vùng biển các tỉnh phía Nam 36 tàu/302 lao động, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là 137 tàu/1.191 lao động. Ngư dân nhanh chóng đưa tàu vào khu neo đậu cảng Sa Kỳ. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ngay trong sáng 30-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra văn bản hỏa tốc ngay yêu cầu các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, kiểm tra, rà soát và cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng, tuyến giao thông, khu vực sản xuất để chủ động di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn. Các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai phương án “4 tại chỗ”. Chủ động dự trữ và vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết tại từng xã, phường, thị trấn trước mưa lũ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông, liên lạc, đảm bảo đủ số lượng để sử dụng tối thiểu trong thời gian ít nhất 7 ngày (riêng huyện Lý Sơn phải đảm bảo ít nhất 15 ngày). Cấm tàu thuyền ra khơi khi có gió lớn. Hiện tại tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại đã dừng hoạt động. Theo bản tin phát lúc 10 giờ ngày 30-10 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, trong 24 giờ qua do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp rìa bắc hoàn lưu bão số 5 nên khu vực tỉnh có mưa, mưa rào lượng mưa từ 7 giờ ngày 29 đến 7 giờ 30-10, phổ biển 5-15mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp bão số 5, dự báo từ chiều ngày 30-10 đến ngày 1-11, tỉnh Quảng Ngãi có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm, có nơi trên 60mm. Lượng mưa từ 13 giờ ngày 30 đến 13 giờ ngày 31-10 phổ biển ở mức 150-300mm có nơi trên 350mm. Cần đề phòng có lũ, lũ ổng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp. NGUYỄN TRANG |