Tại cuộc họp khẩn sáng 8-11, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thuỷ văn Quốc gia, cho biết “chuyện lạ”: cơn bão số 5 sau khi đổ bộ vào nước ta đã “hồi sinh” ở vùng vịnh Bengal của Ấn Độ Dương, rất mạnh, đang sắp đổ bộ Ấn Độ.
Trong khi đó, bão số 6 đang chuẩn bị nối gót theo bão số 5, đổ bộ vào đúng khu vực mà bão số 5 đã tràn vào nước ta, nhưng có sức mạnh dữ dằn hơn nhiều bão số 5, với sức gió giật tới cấp 15.
Theo TS Mai Văn Khiêm, cơn bão số 5 sau khi đổ bộ Phú Yên - Bình Định và Nam Trung bộ của Việt Nam thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là áp thấp.
Tuy nhiên “tàn dư” của bão số 5, sau khi vượt qua Campuchia, Thái Lan san vịnh Bengal đã hồi sinh thành một cơn bão khác, lớn dần lên, sắp đổ bộ vào phía Đông Ấn Độ và Myanmar.
Theo ông Mai Văn Khiêm, hiện nay bão số 6 đã ngoặt trở lại phía Tây với cấp bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Tuy nhiên, các cơ quan dự báo bão của thế giới đều đưa ra các nhận định khác nhau, không thống nhất về cơn bão này.
Cơ quan dự báo Việt Nam đã đưa ra 32 mô hình và nhận định, khoảng đêm Chủ nhật (10-11) bão sẽ đổ bộ đất liền. Tuy nhiên, cơ quan dự báo bão của Hải quân Mỹ cho rằng sáng 11-11, tức Thứ Hai tới, bão mới đổ bộ.
Theo ông Khiêm, dự báo khi bão đổ vào đất liền sẽ giảm còn cấp 9-10 và giật cấp 12-13, nhưng bão mạnh nhất là khi ở phía Bắc quần đảo Trường Sa với sức gió giật tới cấp 15.
“So với cơn bão số 5 thì cơn bão này mạnh hơn và rất phức tạp”- ông Mai Văn Khiêm kết luận về bão số 6.
Chốt lại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là chuyện lạ, đến tháng này mà lại có cơn bão mạnh, chạy lòng vòng như thế. Sắp tới lại có thêm không khí lạnh nữa. Cùng lúc lại có 4 cơn bão cùng xuất hiện, tương tác.
Theo cảnh báo thì cơn này là bão to, gió lớn; phạm vi ảnh hưởng ít nhất là 7 tỉnh, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị không thể chủ quan, có thể nó còn mạnh hơn nữa.
Nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào tối Chủ nhật nên rất nguy hiểm.
Nhận định đây là cơn bão mạnh, chỉ đạo các giải pháp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đảm bảo an toàn hồ đập. Hồ thủy lợi thì trách nhiệm của Bộ NN-PTNT còn hồ thủy điện là trách nhiệm của Bộ Công thương.
Tất cả các thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương và Ủy ban Quốc gia ứng cứu sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn trên biển, các địa phương chủ động cấm biển, chủ động cho học sinh nghỉ học. Tập trung sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, cần thiết thì cưỡng chế. Bảo vệ khách du lịch và an toàn của các công trình xây dựng, nhà cửa của dân.
Phó Thủ tướng nhắc việc không hề có Bộ Xây dựng trong thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Do hiện nay một số lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đang bị kỷ luật nên Phó Thủ tướng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa báo cáo lãnh đạo tỉnh không chủ quan với cơn bão, tránh lặp lại thiệt hại như cơn bão số 12 năm 2017.
Phó Thủ tướng hoanh nghênh tinh thần trách nhiệm của cơ quan dự báo bão.