Dự báo chiều 15-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,6 độ vĩ Bắc - 112 độ kinh Đông, trên bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Đến chiều 16-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ Bắc - 108,1 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.
Cơn bão này có đường đi khác biệt, hình thành từ phía Tây, hướng ra biển Đông, có thời điểm đi lòng vòng tạo thành nút thắt và quay hướng về đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Dự báo 2 ngày nữa, bão sẽ ảnh hưởng tới Bắc bộ và Bắc Trung bộ. “Tới thời điểm này chưa thể nhận định chính xác cường độ của bão khi vào đất liền, song bão sẽ mang theo lượng mưa tương đối lớn, tập trung phía Nam đồng bằng Bắc bộ trở vào tới tỉnh Nghệ An, với lưu lượng khoảng 250 - 350mm, có nơi 600mm” - ông Lê Thanh Hải thông tin. Vì vậy, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và ngập lụt tại vùng trũng thấp ở đồng bằng. Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia sẽ có dự báo chi tiết về lượng mưa đến từng cấp huyện, thậm chí khoanh vùng dự báo tới cấp xã. Khả năng ngập lụt tái diễn tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội rất cao khi mực nước sông Bùi dâng lên. Tuy nhiên, đợt ngập lụt này không kéo dài như trước, có thể chỉ diễn ra 2 - 3 ngày.
Liên quan tới tình hình hồ chứa thủy điện, bà Trịnh Thu Phương, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia) cho biết, lượng mưa khoảng 300mm có thể gây lũ trên sông Đà tại Hòa Bình, sông Thao tại Yên Bái. Hiện quy trình điều tiết hồ thủy điện vẫn được thực hiện nghiêm túc. Hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy, hồ thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy… Tới thời điểm này, mực nước hồ chứa miền Bắc vẫn đang ở dưới mực nước dâng bình thường khoảng 15m, nên trường hợp vượt quá mức cho phép khó có thể xảy ra.
Trong khi đó theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tình hình lũ tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang ở mức trên báo động 1, cao hơn 1,3m so với cùng kỳ 2017 và cao hơn 1,2m so với trung bình nhiều năm. Khả năng tới ngày 25-8, mực nước tại Tân Châu (An Giang) sẽ lên báo động 2 và tiếp tục lên trong thời gian tới. Đúng như dự định, mùa lũ tại đồng bằng sông Cửu Long năm nay về sớm, sau nhiều năm không có lũ lớn. Khu vực này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho người dân nếu phương án ứng phó không được chuẩn bị tốt.
Để chủ động ứng phó tình hình mưa lũ sắp tái diễn trên diện rộng, chiều 14-8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, thành viên ban chỉ đạo, dẫn đầu đã đi kiểm tra và chỉ đạo xử lý điểm sạt lở tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đoạn sạt lở có chiều dài 500m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân. Chính quyền địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn. Hiện địa phương đang vận động 2 hộ sơ tán khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Vào sáng 14-8, đoàn công tác của ban chỉ đạo cũng kiểm tra tại điểm sạt lở thuộc xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn và khu vực sạt lở tại tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Tại xóm Máy Giấy, khu vực hiện bị sạt trượt dài khoảng 200m, sâu 30m, địa phương đã di dời 8 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cấm giao thông qua đoạn đường này.