Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ông Mai Văn Khiêm thông tin, trưa nay cơn bão số 4 mạnh cấp 8-9 đã đi vào vùng bờ biển Quảng Bình - Quảng Trị.
“Từ khoảng 13 đến 15 giờ chiều nay 19-9, tâm bão đi vào đất liền của các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị” - ông Mai Văn Khiêm thông tin.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 19-9, bão số 4 (SOULIK) có vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc - 107 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (62-74km/giờ), với gió giật cấp 9-10. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/giờ.
Trước đó, lúc 12 giờ cùng ngày, bão số 4 có vị trí tâm bão tại khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc - 107,1 độ Kinh Đông, và sức gió mạnh nhất đạt cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11. Bão dự kiến tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/giờ.
Gió bão số 4 giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ
Trưa 19-9, do ảnh hưởng bão số 4 trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; vùng biển Cửa Việt của tỉnh này cũng có gió giật cấp 8. Trong khi, mọi công tác ứng phó với bão số 4 và hoàn lưu gây mưa lớn đã được chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị sẵn sàng.
Ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết sáng 19-9, mưa bắt đầu to hơn và gió mạnh lên. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đang gia cố lại các vị trí, cơ sở vật chất trên địa bàn để ứng phó với bão số 4. Cùng với đó, huyện đảo Cồn Cỏ đã sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết.
Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho biết sáng 19-9, do ảnh hưởng bão số 4, trên địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có mưa to đến rất to khiến nước sông dâng nhanh, gây chia cắt nhiều tuyến giao thông, địa bàn dân cư. Cụ thể, một số đập tràn trên địa bàn xã, nước dâng khoảng 0,5m; hiện tại thôn Tri, khu tái định cư Cuôi bị cô lập do nước dâng cao không qua lại được. Riêng khu tái định cư bản Cựp (xã Hướng Lập) có sạt lở nhẹ.
Để đảm bảo an toàn, địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, quân sự tổ chức di dời khẩn cấp 4 hộ gia đình với 15 nhân khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống. Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xuất hiện điểm sạt lở nhẹ tại Km 169+100. Ở những vị trí có nguy cơ sạt lở, Đồn Biên phòng Hướng Lập phối hợp với UBND, công an, quân sự hai xã Hướng Lập và Hướng Việt cắm biển báo nguy hiểm, vận động di dời một số hộ dân đến vị trí an toàn.
Sáng 19-9, tại vườn nhà bà Đoàn Thị Thức (trú khu phố 8, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hố sụt lún đất bất thường. Bà Thức cho hay, sáng sớm khi vừa ngủ dậy, bà nghe tiếng nổ lớn ở sau vườn nên chạy ra xem. Ra đến nơi, bà phát hiện hố sụt sâu 5m, đường kính miệng khoảng 1m, bên dưới có nhiều nước. Hố sụt có nguy cơ lan rộng do có hàm ếch bên phải rộng khoảng 2m.
Sáng cùng ngày, ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ đã đến hiện trường kiểm tra, yêu cầu địa phương cắm biển cảnh báo, không cho người dân đến khu vực nguy hiểm, đồng thời cắt cử người tiếp tục theo dõi.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên Huế, chính quyền và các lực lượng xung kích cùng người dân đang nỗ lực theo dõi và triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 và hoàn lưu có khả năng mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng.
Trong đó, Công an huyện A Lưới cử cán bộ chiến sĩ đến nhà ông Hồ Văn Thiết, tổ dân phố 6, thị trấn A Lưới để cắt và di chuyển cây lớn ngã đỗ vào nhà này, gây hư hại mái tôn, rất may không bị thiệt hại về người.
Sáng 19-9, các xã Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh… của huyện A Lưới tiến hành di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, cho biết đã tiến hành di dời khẩn cấp 11 hộ dân với 45 nhân khẩu tại thôn Pa Hy. Đây là điểm có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Những hộ dân được di dời đến nhà người thân kiên cố hơn, các khu vực cao ráo và được bố trí thức ăn, nước uống. Các hộ có người già, đau ốm được đưa đến trạm y tế của xã.
Tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới hiện có 4 điểm ngập úng cục bộ, có 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại. Đến nay, xã đã tổ chức di dời 87 hộ dân tại thôn Âr Bả Nhâm và 4 hộ tại thôn A Hươr Pa E đến trú an toàn tại nhà sinh hoạt cộng đồng, Trường tiểu học Quảng Nhâm và nhà người thân.
Chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, cấm người, phương tiện qua các ngầm tràn nguy hiểm, chặt cây gãy đổ trên đường để đảm bảo lưu thông.