Bão số 3 mạnh cấp 12, giật cấp 15 trên khu vực Bắc Biển Đông

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia của Việt Nam và các cơ quan dự báo bão của quốc tế cùng nhận định, bão số 3 rất mạnh, sẽ đổ bộ vào miền Bắc vào khoảng tối 7-9.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 4-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/giờ.

Untitled.png
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3. Ảnh: TTDBKTTVQG

Dự báo diễn biến bão (trong 24 đến 72 giờ tới):

DBBao.png

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục giảm dần.

Đến 13 giờ ngày 5-9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15km/giờ, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 430 km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo tác động của bão, trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Từ ngày 5 đến 6-9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m. Từ ngày 5 đến 6-9, có thể tăng dần lên 9-11m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Dự báo tâm bão đổ bộ miền Bắc vào tối 7-9

Chiều nay 4-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ TN-MT, Bộ TT-TT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an, Tổng cục Khí tượng - thủy văn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… để triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3, tên quốc tế là Yagi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3, chiều 4-9

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3, chiều 4-9

Yagi là cơn bão rất mạnh

Tại thời điểm họp, cơn bão này đang hoạt động ở vùng biển Bắc Biển Đông với cường độ rất mạnh. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hiện trên Biển Đông đang có nhiều điều kiện để tạo thuận lợi cho bão mạnh lên. Các dự báo đều nhận định bão tiếp tục mạnh lên khi đến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Vị trí bão số 3 và dự báo hướng di chuyển theo nhận định hồi 14 giờ ngày 4-9 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia

Vị trí bão số 3 và dự báo hướng di chuyển theo nhận định hồi 14 giờ ngày 4-9 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia

Cơ quan khí tượng nhận định, đối với khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, sóng biển cao nhất có thể đạt 9-11m trong ngày 5 và 6-9. Thủy triều tại trạm Hòn Dáu (Hải Phòng) đạt mức cao nhất vào 17 giờ ngày 7-9. Dự báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vào chiều tối 7-9, gây nguy cơ lớn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản và tàu thuyền.

Bão số 3 (Yagi) đang cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 700km. Nguồn: WINDY

Bão số 3 (Yagi) đang cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 700km. Nguồn: WINDY

Nhiều địa phương cấm biển từ ngày 6-9

Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện có 504 tàu cá với 3.356 người đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm, bao gồm 2 tàu của Thanh Hóa, 135 tàu của Nghệ An, 54 tàu của Đà Nẵng, 141 tàu của Quảng Nam, 157 tàu của Quảng Ngãi... Các tàu đã nhận được thông tin cảnh báo và đang di chuyển để tránh bão. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định sẽ cấm biển từ ngày 6-9.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần đặc biệt chú trọng bảo vệ các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An với tổng diện tích lên tới 49.380ha và 19.144 lồng, bè. Các khu vực này có nguy cơ cao bị thiệt hại nặng nề khi bão vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

Các trung tâm dự báo quốc tế nhận định Yagi là "cuồng phong" và đã hình thành mắt bão sau khi vào Biển Đông

Các trung tâm dự báo quốc tế nhận định Yagi là "cuồng phong" và đã hình thành mắt bão sau khi vào Biển Đông

Còn theo thông tin từ ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã được điều chỉnh mực nước để đảm bảo an toàn. Hiện tại, hồ Tuyên Quang và Thác Bà đang mở các cửa xả để giảm áp lực nước. Tuy nhiên, các hồ chứa thủy lợi tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang ở tình trạng nguy hiểm với nhiều hồ bị hư hỏng, xuống cấp.

Tình trạng đê điều cũng đáng lo ngại khi có 32 điểm đê biển và đê cửa sông tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Một số công trình đê điều chưa được hoàn thiện hoặc đang thi công, có nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão đổ bộ.

Về sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Đức Luận cho hay, các địa phương trong vùng mưa bão đã thu hoạch được 155.000ha lúa hè thu trên tổng diện tích 170.000ha, còn lại 15.000ha (chủ yếu ở tỉnh Nghệ An) sẽ được thu hoạch trước ngày 10-9 để giảm thiểu thiệt hại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác thu hoạch và chuẩn bị các biện pháp bảo vệ lúa và hoa màu trước khi bão đổ bộ.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An theo dõi sát sao diễn biến của bão. Công tác sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh trên biển và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân trên các đảo được đặt lên hàng đầu. Với dự báo khoảng tối và đêm 7-9 bão sẽ đổ bộ đất liền, Bộ NN-PTNT lưu ý các địa phương chặt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, công trình, biển hiệu quảng cáo và hệ thống lưới điện... Đối với miền núi phía Bắc, cần kiểm soát giao thông tại các điểm ngập sâu, sạt lở...

Ngoài ra, việc kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy điện và thủy lợi xung yếu, các hầm mỏ và khu khai thác khoáng sản, nhất là tại Quảng Ninh, cũng được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và chuẩn bị các phương án để xử lý kịp thời mọi tình huống.

Bộ đội và công an huy động hơn 460.000 chiến sĩ ứng phó bão số 3

Để sẵn sàng ứng phó bão số 3, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã sẵn sàng hơn 460.000 cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng ngàn lượt phương tiện, thiết bị chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ.

img-2266-1667.jpeg
Đại tá Nguyễn Văn Khanh thông tin tại cuộc họp

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 3, tổ chức chiều 4-9, Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, đơn vị biên phòng tại các tỉnh đã được yêu cầu hỗ trợ chính quyền địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt và lũ quét, sơ tán người dân đến nơi an toàn để tránh bão số 3.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Khanh, hiện các đơn vị bộ đội biên phòng từ Quảng Ninh đến Phú Yên đang duy trì trực 3.567 cán bộ, chiến sĩ với 259 phương tiện các loại, sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra.

Khó khăn hiện nay là hệ thống thông tin kết nối của bộ đội biên phòng phần nhiều đã cũ và lạc hậu, chủ yếu hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết bình thường, nên gặp khó khăn trong công tác thông báo, kêu gọi phương tiện di chuyển tránh trú.

Trong khi, một số ít ngư dân hoạt động ở vùng biển xa bờ còn tư tưởng chủ quan, theo dõi bão bằng kinh nghiệm, chưa chấp hành nghiêm túc khi được yêu cầu di chuyển hoặc di chuyển chậm, vừa di chuyển vừa khai thác.

img-2263-7715.jpeg
Cuộc họp ứng phó bão tổ chức chiều 4-9 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì

Còn theo đại diện Cục Cứu hộ - cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng, đơn vị đã phát đi 3 công điện khẩn về việc duy trì tình trạng trực ban, phối hợp địa phương để xác định những khu vực nguy hiểm, đồng thời chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng di dời người dân khi bão đổ bộ.

Đại diện Cục Cứu hộ - cứu nạn cũng thông tin, hơn 425.000 chiến sĩ cùng hơn 4.000 lượt phương tiện gồm tàu thuyền và máy bay đã sẵn sàng tham gia công tác ứng phó bão số 3. Các quân khu đã được chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các chỉ thị của Chính phủ, hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão.

Bộ Công an cũng thông tin về việc đã chỉ đạo công an địa phương duy trì 100% quân số sẵn sàng phòng chống bão số 3. Hiện tại, các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã sẵn sàng gần 35.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 1.000 phương tiện thủy bộ và hơn 1.200 máy phát điện để tham gia ứng phó với bão.

Tin cùng chuyên mục