Sau đó, bão số 3 đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Bão có xu hướng lướt dọc theo vùng bờ biển, hướng xuống đồng bằng Bắc bộ với phạm vi ảnh hưởng rộng.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo, trên đường hướng xuống trung tâm đồng bằng Bắc bộ, bão số 3 vẫn giữ hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km nhưng suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo đến chiều 3-8, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,8 độ vĩ Bắc - 105,8 độ kinh Đông, nằm trên các tỉnh ở Nam đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu và tan dần.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sau khi đổ bộ vào miền Bắc, bão số 3 sẽ gây ra một lượng mưa lớn cho cả Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Từ nay đến ngày 4-8, ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt). Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nặng do các cơn mưa xối xả sau hoàn lưu bão. Tại Hà Nội, Công ty Thoát nước và Môi trường đô thị đã chuẩn bị kịch bản, lực lượng để chống úng ngập. Dự báo, Hà Nội có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm). Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đã bố trí lực lượng và kế hoạch khắc phục các sự cố về điện do bão số 3 gây ra trên địa bàn các tỉnh nằm trong tâm bão đổ bộ: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…
TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp triển khai chống bão vào ngày 2-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trước khi bão vào, tại các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã có mưa, mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến 20-40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn: Điện Biên 98mm, Sơn La 66mm, Hòa Bình 69mm, Lạng Sơn 71mm, Bắc Ninh 70mm, Hà Nam 72mm, Thanh Hóa 57mm, Nghệ An 54mm. Hồi 16 giờ ngày 2-8, tại Quảng Ninh, Hải Phòng có gió cấp 3 đến cấp 4; khu vực đảo Bạch Long Vĩ có gió cấp 6.
Ngày 2-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức các đoàn công tác đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Hà Nội để chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Trong đó, một đoàn do Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng lãnh đạo các bộ NN-PTNT, Quốc phòng, Công an, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão các khu neo đậu tàu thuyền, khu du lịch và khu hầm mỏ tại tỉnh Quảng Ninh. Một đoàn do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão, ngập úng an toàn đê điều, các công trình đang thi công tại Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp cùng địa phương kiểm soát, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; di dời, đảm bảo an toàn dân cư ở các đảo; các đơn vị vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức một đoàn công tác do Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; hỗ trợ các địa phương di dời, đảm bảo an toàn dân cư. Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã thành lập 20 đoàn công tác, điều động 2.175 lượt cán bộ chiến sĩ, 252 lượt phương tiện phối hợp, hỗ trợ các địa phương sắp xếp neo đậu tàu thuyền, di dời dân khu vực nguy hiểm và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.
Báo cáo đến chiều và tối 2-8, TP Hải Phòng đã kêu gọi 3.344 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển; di chuyển 41/465 lồng bè (216/1.290 người); sơ tán 288 người trên các chòi canh hải sản, 728/7.308 người ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Thái Bình đã vào khu neo đậu tránh, trú bão (1.279 tàu thuyền với 3.643 người), di dời 1.395 người trên 1.308 chòi canh và 1.415 người ở 1.013 đầm nuôi trồng thủy sản; tiến hành tiêu nước đệm tại các hệ thống thủy nông. Nam Định đã sắp xếp, neo đậu tại bến 100% tàu thuyền; kêu gọi, di dời 1.317 lao động trên 1.024 lều, chòi canh, 221 lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài đê, trên sông vào nơi tránh trú bão; triển khai tiêu rút nước trên tất cả các hệ thống công trình thủy nông.
Để ứng phó bão và mưa lũ do hoàn lưu bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với bão, lũ... Rà soát phương án ứng phó thiên tai, lưu ý kiểm soát việc triển khai phương án đảm bảo an toàn kho, bãi; các hoạt động kinh tế tại các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng; công trình xây dựng đang thi công, khu du lịch ven biển. Chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.