Theo các chuyên gia khí tượng và thông tin từ người dân, từ khoảng 3 giờ sáng nay 23-7, khu vực Hải Hà - Tiên Yên (Quảng Ninh)… bắt đầu có gió rất mạnh. Tại Hà Nội cũng bắt đầu có mưa.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 5 giờ sáng nay, tâm bão số 2 đã vào đất liền. Ở Đầm Hà (Quảng Ninh) đo được gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Người dân ở đảo Cô Tô và đảo Quan Lạn của tỉnh Quảng Ninh thông tin, ở đây gió to không ngớt, kèm mưa. Tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) có khu vực bị mất điện. TP Hạ Long mưa to 173mm.
Những nơi khác như TP Hải Phòng, tỉnh Thái Bình sáng ra hầu như không có gió mạnh khi tâm bão đổ vào Quảng Ninh. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, mưa trước bão rất ít nhưng trong hôm nay, mưa sau bão ở vùng Đông Bắc bộ sẽ rất lớn.
Lúc 5 giờ sáng, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; tại Cửa Ông (Cẩm Phả - Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Ở khu vực ven biển Đông Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Vân Đồn (Quảng Ninh) 108mm…
Trước đó, hồi 4 giờ sáng, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc - 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Tâm bão giảm còn cấp 8-9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đêm qua, từ khoảng 20 giờ ngày 22-7 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Trung tâm cảnh báo bão của Hải quân Hoa Kỳ đều cảnh báo, bão số 2 mạnh lên tới cấp 12, giật cấp 14 khi tiến vào đất liền. Tuy nhiên các bản tin bão của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia từ 20 giờ đến 22 giờ ngày 22-7 chỉ xác nhận, bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Đến 8 giờ sáng 23-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiếp cận bờ biển của khu vực tỉnh Quảng Ninh đến Hải Phòng.
Một số trung tâm cảnh báo bão và dự báo khí tượng của thế giới cũng xác nhận bão Prapoiroon (bão số 2 theo cách gọi của Việt Nam) đã giảm còn cấp 7. Trong 2 giờ đồng hồ qua, bão và áp thấp nhiệt đới hầu như “dậm chân một chỗ” nên gây mưa rất to ở khu vực tỉnh Quảng Ninh (nhất là TP Hạ Long, TP Cẩm Phả).
Trung tâm khu vực Hòn Gai của TP Hạ Long có nhiều cây cối đổ chắn ngang đường, gây ùn tắc vào giờ cao điểm tại ngã 3 Cứu Hỏa - Cao Thắng. Quốc lộ 18 đi phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) bị ngập, nhiều ô tô phải quay đầu tìm đường tránh.
Cập nhật thông tin thiệt hại do bão số 2 (hiện đã giảm thành áp thấp nhiệt đới) đến 9 giờ sáng 23-7 từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gió bão đã làm 1 tàu xi măng dưới 15m, 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô.
Hiện trên các đảo du lịch thuộc tỉnh Quảng Ninh (như Cô Tô, Quan Lạn - Minh Châu, Vân Đồn, Ngọc Vừng…) đang có 1.959 khách mắc kẹt. Còn ở khu du lịch đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) hiện chỉ còn 3.885 khách mắc kẹt hoặc có nhu cầu ở lại (trong đó 435 khách quốc tế, 3.450 khách trong nước). Những du khách này vẫn được đảm bảo an toàn và đã được thông tin về tình hình mưa gió bão.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cập nhật đến 6 giờ sáng 23-7, lực lượng biên phòng tuyến biển đã kiểm đếm được 47.676 tàu cá với 192.818 ngư dân. Các tàu này đã biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động tránh, trú. Hiện chưa có thông tin thiệt hại, sự cố về tàu cá. Đồng thời, 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình vẫn áp dụng lệnh tạm cấm biển (cấm ra khơi).
>> Một số hình ảnh ở tỉnh Quảng Ninh sáng 23-7:
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, chiều 23-7, ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định có triều cường cao, mực nước tại Hòn Dáu (Hải Phòng) 3,8-4m, Cửa Ông (Quảng Ninh) 4,6-4,8m... kết hợp mưa lớn có thể làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông, gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông.
Từ sáng sớm 23-7 đến hết ngày 24-7, ở khu vực Đông Bắc bộ sẽ có mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm; các khu vực còn lại ở miền Bắc và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Cập nhật đến 11 giờ ngày 23-7, Hà Nội vẫn mưa rả rích, đường sá bị ngập cục bộ ở một số nơi; giao thông ùn ứ cục bộ ở các cửa ngõ phía Tây và phía Nam vào nội đô vào giờ cao điểm buổi sáng.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, mưa như trút nước nhiều giờ liền. Đến 9 giờ sáng, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Bắc Giang đã ngập sâu, xe cộ đi lại khó khăn, người dân vất vả chạy chợ, mua sắm…
Thông tin từ người dân ở TP Bắc Giang cho biết, khu vực ngập nặng nhất là tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Thị Lưu, đường Trần Quốc Toản, khu vực Bách hóa Tổng hợp, Quảng trường 3-2... do mưa nặng hạt, nước thoát không kịp. Nhiều xe máy, xe điện bị ngập, chết máy... Một số khu dân cư trong ngõ nhỏ cũng bị ngập, nước chảy vào nhà.
Từ khoảng 8 giờ sáng, mưa to, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang đã huy động lực lượng mở cửa thoát nước ở những tuyến đường ngập sâu, bị ứ đọng rác. Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị TP Bắc Giang đã vận hành hết công suất các trạm bơm để tiêu nước úng ngập.
Tại huyện đảo Cát Hải (nhất là ở các xã Việt Hải và Hiền Hào) và một số điểm ở trung tâm TP Hải Phòng đã có mưa rất lớn, nhiều nơi ngập nặng. Thời tiết hiện vẫn đang rất xấu.
Nhiều khách du lịch mắc kẹt trên đảo Cát Bà lo lắng chưa xác định được thời điểm có thể quay lại đất liền.
Số liệu cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đêm qua đến sáng nay 23-7, lượng mưa đo tại Quảng Yên (Quảng Ninh) là 167mm, Cát Hải (TP Hải Phòng) 291mm...
Từ ngày 23-7 đến 24-7, khu vực Đông Bắc bộ và Thanh Hóa có nơi mưa trên 300mm. Từ đêm 24-7, mưa lớn ở khu vực này giảm dần. Còn khu vực Tây Bắc bộ và Nghệ An từ nay đến hết ngày 24-7 cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa trên 200mm. Chiều và đêm 23-7, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên và Nam bộ có thể mưa rào 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Từ ngày 25-7, mưa lớn ở khu vực Tây Bắc bộ và Thanh Hóa có xu hướng giảm dần.