Bão số 2 gây sạt lở, ách tắc giao thông nghiêm trọng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 23-7, sau khi đi vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn trên diện rộng ở miền Bắc và tỉnh Thanh Hóa.

Ghi nhận của PV Báo SGGP, cập nhật đến chiều tối 23-7, tại Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc vẫn mưa tầm tã, có nơi mưa lớn như trút. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La xảy ra sụt trượt một lượng đất lớn xuống mặt quốc lộ 6, gây ách tắc giao thông cục bộ tại Km 151+200 thuộc xã Pà Cò, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).

Tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cũng xảy ra sạt lở vị trí Km 156 và Km 160+620 khiến giao thông trên quốc lộ 6 tê liệt. Ngày 23-7, Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, tại Km 127+700, quốc lộ 4D, đoạn qua xã Cốc San, TP Lào Cai đã xảy ra vụ sạt lở lớn, chia cắt hoàn toàn giao thông giữa thị xã Sa Pa và TP Lào Cai. Sau khi xảy ra sự cố sạt lở, Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai đã triển khai nhân lực và phương tiện đến hiện trường khắc phục. Đến chiều 23-7, tại điểm sạt này mới làm tạm một nửa làn để xe cộ lưu thông, thoát khỏi ách tắc.

X1e.jpg
Sạt lở gây ách tắc tuyến đường Đình Phong - Quang Yên (xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: DUY CƯỜNG

Do đất đá tại điểm sạt lở vẫn tiếp tục rơi xuống lòng đường nên theo cảnh báo của lực lượng chức năng, khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi đất, đá từ trên sườn núi tiếp tục sạt xuống lòng đường. Các phương tiện nên hạn chế đi lại qua khu vực này để đảm bảo an toàn.

Ngày 23-7, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh và các đơn vị trực thuộc bộ ở miền Bắc, miền Trung yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân; rà soát kế hoạch, phương án phòng chống bão lũ của đơn vị đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thông tin, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gió bão đã làm 1 tàu xi măng dưới 15m, 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô. Chính quyền TP Hạ Long đã kịp thời di dời 9 hộ dân nằm ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn; đồng thời triển khai phương án chống sập đổ một nhà dân ở phường Bãi Cháy...

Đến chiều 23-7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh báo cáo, không có thiệt hại về người do bão số 2 gây ra, các địa phương đã di chuyển 2.481 nhân khẩu là người già, phụ nữ, trẻ em ở các lồng bè lên bờ để tránh bão số 2.

X7a.jpg
Nông dân thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang dùng dây buột dựng lúa bị đổ ngã. Ảnh: CAO PHONG

Do mưa rất lớn trên diện rộng và dự báo còn mưa lớn, nhất là ở thượng nguồn Tây Bắc và miền núi phía Bắc, chiều 23-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện hỏa tốc, lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 của hồ thủy điện Hòa Bình từ 22 giờ ngày 23-7 để giảm lưu lượng nước trên lòng hồ xuống mức an toàn theo quy định.

Do thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả kết hợp mưa bão nên nước lũ trên sông Hồng sẽ tiếp tục lên nhanh. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Bộ NN-PTNT đã ban hành thêm công văn đề nghị các tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc bộ triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè thủy sản trên sông; đảm bảo an toàn cho người dân khi xả lũ.

*Chiều 23-7, ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An), cho biết, điểm sạt lở quốc lộ 16 đoạn qua dốc Chuối (xã Châu Kim) đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm. Nếu ngày 14-7, điểm sạt trượt ở mức 1-1,3m thì đến sáng 23-7 đã sạt 4,7m về phía ta luy âm. Các lực lượng vẫn đang túc trực 24/24 giờ, cấm người và phương tiện qua lại. Trước mắt, các đơn vị chuyên môn đang khảo sát, thăm dò địa chất để mở cầu tạm đi qua; về lâu dài sẽ có phương án làm cầu cạn hoặc nắn tuyến qua điểm sạt lở.

Tại huyện Tương Dương (Nghệ An), mưa lớn kéo dài cũng đã gây ra nhiều điểm sạt lở tại bản Đửa (xã Lượng Minh), bản Xiềng Nứa (xã Yên Na), bản Phòng và bản Chắn (thị trấn Thạch Giám)… Trên tuyến đường huyết mạch Đình Phong - Quang Yên (xã Tam Đình), đất đá đổ xuống, cô lập các bản vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó tại Thanh Hóa, mưa lớn gây sạt lở đã khiến 4 ngôi nhà tại huyện Mường Lát, 2 nhà tại huyện Quan Sơn bị hư hỏng, rất may không có thiệt hại về người; ngoài ra có 10 điểm giao thông ở địa bàn 2 huyện này bị sạt lở.

*Ngày 23-7, UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến tình hình thiên tai, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả. Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại và khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra; huy động nguồn lực tập trung xử lý các vấn đề cấp bách trong và sau thiên tai...

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 10 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 19 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài trên 480m; trên biển xảy ra 26 vụ, làm chìm 7 phương tiện, chết 17 thuyền viên, mất tích 6 thuyền viên, trôi dạt 33 thuyền viên… Tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Tính đến ngày 23-7, thống kê sơ bộ tại Cà Mau và Hậu Giang đã có gần 1.000 ha lúa bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài trong tuần qua. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau với khoảng 570 ha lúa hè thu bị thiệt hại từ 30%-70%.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh đã gây đổ ngã, ngập úng trên lúa hè thu sắp thu hoạch và cả lúa thu đông vừa xuống giống. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Hiện tình hình mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới vẫn còn phức tạp, các địa phương khuyến cáo nông dân: gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác để hạn chế thiệt hại.

Ngày 23-7, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có mặt, kiểm tra công tác ứng phó bão tại tỉnh Quảng Ninh. Thực địa tại bến tàu Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc) và đập Tràng Vinh (xã Hải Tiến) ở TP Móng Cái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá các phương án ứng phó mưa bão của địa phương, cũng như công tác huy động lực lượng xung kích, tình nguyện hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền đã thể hiện sự chủ động trước thiên tai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục ứng phó, không chủ quan với mưa lớn, nguy cơ lũ lụt do hoàn lưu bão.

Tin cùng chuyên mục