* TPHCM: Hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai
* Tỉnh Hòa Bình ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất
Theo thông tin của các đài dự báo khí tượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngày 15-10, cơn bão số 11 (có tên quốc tế là Khanun) đã hoạt động với cường độ mạnh và có phạm vi ảnh hưởng rộng, nhưng từ 16-10 bão sẽ bắt đầu giảm cấp.
Trong khi đó, ở phía Đông của Philippines vừa xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới có thể mạnh lên thành bão với vĩ độ hoạt động thấp.
Chiều 15-10, tâm của áp thấp nhiệt đới đang ở vào khoảng 9 - 11 độ vĩ Bắc và 135 - 137 độ kinh Đông. Còn theo sơ đồ cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều 15-10 tâm bão số 11 đã áp sát bán đảo Lôi Châu - Trung Quốc.
Khi đi vào phía Bắc đảo Hải Nam - Trung Quốc, bão sẽ ngoặt về phía Nam do tác động của không khí lạnh.
Đến chiều 16-10, tâm bão sẽ cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110km về phía Đông - Đông Nam với cường độ bão giảm còn cấp 9, giật cấp 13. Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 5 - 10km và tiếp tục suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Khoảng chiều 17-10, áp thấp nhiệt đới sẽ nằm trên vùng biển Quảng Bình - Quảng Trị.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng cảnh báo, mưa lớn trên đất liền do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh tăng cường.
Ngoài ra, một bộ phận không khí lạnh mạnh đầu mùa đang di chuyển xuống Bắc bộ. Đêm 15-10, các tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu trở rét, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm là 19 - 21°C, có nơi 16 - 19°C.
Thời tiết vùng biển phía Nam cũng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão 11. Theo đó, hoàn lưu của rìa phía Tây Nam bão sẽ gây mưa rào và dông, gió giật cấp 7 - 9 trên khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang. Tại Nam bộ, những ngày đầu tuần tiếp tục nhiều mây, có mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Ngày 15-10, thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 21 giờ ngày 14-10 trận lũ lịch sử đã làm 102 người chết và mất tích.
Thống kê từ các địa phương bị thiệt hại cho biết có 221 căn nhà bị sập đổ hư hỏng, 46.177 nhà bị ngập, 2.298 căn nhà phải di dời khẩn cấp; 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, đến nay diện tích ngập úng còn khoảng 126.515ha; dự kiến, ngập úng nặng còn tiếp diễn ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.
Ngày 15-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành Quyết định số 1971/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Theo đó, tỉnh Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm TP Hòa Bình; các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kỳ Sơn.
Cũng theo thông tin từ tỉnh Hòa Bình, khoảng 9 giờ sáng 15-10, sau 4 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu nạn cứu hộ của công an, quân đội... đã phát hiện thi thể 3 mẹ con trong vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, khoảng hơn 1 giờ sáng 12-10, mưa lớn tại khu vực xóm Khanh, đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng. Hàng ngàn mét khối đất đá ập xuống từ thác Khanh, vượt qua lòng suối vùi lấp 6/8 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người xấu số. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 13 thi thể nạn nhân, vẫn còn 5 người mất tích.
Trong thông báo phát đi sáng 15-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12-10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ; tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ để cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.
Tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện, nhất là các trọng điểm xung yếu tại các địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo.
Ngày 15-10, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã hủy 5 chuyến bay giữa Hà Nội/TPHCM và Hồng Công do ảnh hưởng của bão số 11 có tên quốc tế Khanun tại khu vực Hồng Công (Trung Quốc). Các chuyến bay bị hủy gồm VN592, VN593 giữa Hà Nội và Hồng Công; VN594, VN595, VN598 giữa TPHCM và Hồng Công. Các chuyến bay này sẽ được hãng lên kế hoạch bay bù trong ngày 16-10. Vietnam Airlines cũng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến/đi từ Hồng Công trong thời gian có ảnh hưởng của bão số 11 thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của hãng nhằm chủ động lịch trình đi lại.
Hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai
Cuộc vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị lũ lụt và các tỉnh miền Trung bị bão số 10 gây thiệt hại nặng đã nhận được sự hưởng ứng chân thành của các tầng lớp nhân dân, cán bộ - công nhân viên, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế tại TPHCM. TPHCM đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên và chuyển số tiền 13,08 tỷ đồng giúp các tỉnh bị thiên tai.
Trong tháng 10, thiên tai lại liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã đề xuất trích 4 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của TPHCM và tổ chức 2 đoàn lãnh đạo TPHCM trực tiếp đi thăm và trao số tiền này hỗ trợ đồng bào các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái - là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Để cùng chia sẻ với nhân dân các tỉnh bị thiên tai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thông báo tiếp tục tiếp nhận đóng góp hỗ trợ đến hết ngày 31-10-2017. Địa chỉ tiếp nhận: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM; hoặc chuyển khoản đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, số tài khoản (VNĐ) 000.870.406.001.484 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương, chi nhánh Bình Chánh, phòng giao dịch Kỳ Hòa, TPHCM.
Cuộc vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị lũ lụt và các tỉnh miền Trung bị bão số 10 gây thiệt hại nặng đã nhận được sự hưởng ứng chân thành của các tầng lớp nhân dân, cán bộ - công nhân viên, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế tại TPHCM. TPHCM đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên và chuyển số tiền 13,08 tỷ đồng giúp các tỉnh bị thiên tai.
Trong tháng 10, thiên tai lại liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã đề xuất trích 4 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của TPHCM và tổ chức 2 đoàn lãnh đạo TPHCM trực tiếp đi thăm và trao số tiền này hỗ trợ đồng bào các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái - là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Để cùng chia sẻ với nhân dân các tỉnh bị thiên tai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thông báo tiếp tục tiếp nhận đóng góp hỗ trợ đến hết ngày 31-10-2017. Địa chỉ tiếp nhận: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM; hoặc chuyển khoản đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, số tài khoản (VNĐ) 000.870.406.001.484 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương, chi nhánh Bình Chánh, phòng giao dịch Kỳ Hòa, TPHCM.