Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng cho biết, bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ ngày 16-10, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,2 độ vĩ Bắc - 109,1 độ kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 140km về phía Đông. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sáng sớm 17-10, tâm áp thấp ở phía Đông Nam của vịnh Bắc bộ với sức gió còn cấp 6.
Trong khi đó, ở phía Đông Philippines, vùng áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành “siêu bão”, có tên quốc tế là “Lan”, theo dự báo có chiều hướng di chuyển lên phía Bắc. Mặc dù không đi vào biển Đông, nhưng bão Lan đang đẩy gió mùa Tây Nam ở vịnh Thái Lan và Nam bộ hoạt động mạnh. Vì vậy, thời tiết Nam bộ hiện nay nhiều mây, mưa nhiều, nhiệt độ tại TPHCM ở mức thấp.
Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam lên tới cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7 - 9.
Tại miền Bắc, ngày 16-10 bắt đầu đón không khí lạnh đầu mùa, nền nhiệt độ tại Mẫu Sơn và các khu vực núi cao ở Đông Bắc giảm chỉ còn 15-16oC, tại Hà Nội là 20 - 21°C… Trời se lạnh ở đồng bằng, rét ở miền núi.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Quốc gia, dự báo năm nay sẽ là một mùa đông “rét” nếu so với 3 mùa đông ấm liên tiếp các năm vừa qua.
Một nguồn tin khác từ Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cũng vừa cho rằng mùa đông 2017 - 2018 sẽ là năm rét kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Cơ quan Khí tượng của Nga cũng vừa đưa ra dự báo năm nay sẽ lạnh kỷ lục.