Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành ngày 16-6-2022, đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ngay sau đó, Bộ TN-MT đã soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Nhằm hưởng ứng chủ trương trên, Báo SGGP đã tổ chức vệt bài “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” và tọa đàm hôm nay cũng nằm trong kế hoạch tuyên truyền này. Báo SGGP mong muốn sẽ là kênh thông tin tiếp tục tiếp nhận và đăng tải ý kiến của chuyên gia, luật sư, người dân… để góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai đạt hiệu quả.
Khách mời tham dự tọa đàm gồm có: ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM; ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM; ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM; ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; ông Hoàng Minh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM; ông Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long; ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM; ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM; ông Dương Văn Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn; cùng có sự tham gia của người dân là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp...
Dự thảo luật lần này có 16 chương, 237 điều, rất nhiều chương quan trọng. Trong đó có 2 chương tôi thấy rất gần gũi và TPHCM quan tâm, đó là cơ cấu chính sách, bộ máy đi liền với nhau để phát triển quỹ đất; thu hồi, trưng dụng tái định cư. Nghị quyết 18 cũng nhấn mạnh, điều 4 của chương này có nêu, đối với việc vận dụng quy định pháp luật nếu có bất cập thì những vấn đề liên quan đến đất đai thì lấy Luật Đất đai làm gốc.
Đối với TPHCM có các vấn đề lớn như sau:
- Quy định rõ ràng quy định thuê, đấu thầu đất, nếu không sẽ vướng khi tổ chức đấu thầu. Như vậy mới phát huy được các dự án mà TPHCM tổ chức đấu thầu.
- Thu hồi theo quy hoạch để có đất sạch đấu giá.
- Thu hồi đất đai vùng phụ cận thuộc diện nhà nước đầu tư.
- Cho phép thực hiện dự án đầu tư công, phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
- Cho tách dự án bồi thường tái định cư thành tiểu dự án.
- Hàng năm, lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, nhưng TPHCM khác địa phương khác thì đề xuất để TPHCM lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm hoặc 10 năm.
- Trong dự thảo luật có ý thu tiền sử dụng đất hàng năm thì nên áp dụng đối với sử dụng đất sản xuất và dịch vụ nhằm tạo nguồn thu ổn định hàng năm.
Về nguồn lực đất đai của doanh nghiệp trước và sau khi cổ phần hóa, nếu quy định không rõ ràng thì việc cổ phần hóa sẽ bị tắc.
Liên quan đến cấp giấy chứng nhận (GCN) thì được quy định tại các nghị định, do nghị định quy định về cấp GCN thì các dự án nhà ở, nhà ở chung cư... đối với doanh nghiệp sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính xong, cơ quan nhà nước thực hiện cấp GCN cho người dân, nhưng trong quá trình thực hiện xuất hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh vướng mắc, ảnh hưởng đến việc cấp GCN cho người dân.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ: "Tôi đến dự tọa đàm với tư cách đại biểu, để ghi nhận ý kiến của các chuyên gia. Qua ý kiến của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, tôi thấy người dân rất quan tâm đến các quy định của pháp luật không chồng chéo với Luật Đất đai. Giải quyết hài hòa việc người được cấp quyền sử dụng đất với các quy hoạch của nhà nước, phải được tính toán như thế nào?". Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: HOÀNG HÙNG "Sử dụng đất phải hiệu quả và tiết kiệm, chứ đến một thời điểm thì không còn đất để nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này", bà Văn Thị Bạch Tuyết nói. |
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho biết, hiện tổng quỹ đất của Hội đang có là 17.000ha. Nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao hàng năm đóng góp 50 tỷ USD. Do vậy, quy hoạch cần phải dành quỹ đất cho khu công nghiệp - khu chế xuất, bởi đóng góp rất lớn cho kinh tế TPHCM.
Điều 113 của dự thảo luật nói về đất nông nghiệp, nhưng từ năm 1993 đến nay biến động rất lớn. Do đó, căn cứ vào mốc 1993 là quá xa và không cần thiết.
"Về giá đất, chúng tôi rất khổ tâm vì ách tắc. Nên có "phần cứng" là khung giá đất nhưng "phần mềm" là hệ số mềm (hệ số k) để điều chỉnh. Như vậy, TPHCM và các tỉnh, thành dễ định giá đất", ông Nguyễn Văn Bé đưa ra ý kiến. |
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM, chúng ta phải tích cực xây dựng dữ liệu về đất đai, thông tin quy hoạch, thị trường đất đai để điều hành đất đai của toàn quốc, để đảm bảo giá đất sát với giá thị trường và hiệu quả kinh tế.
Ông Cao Văn Tấn (đến từ tỉnh An Giang) nêu những tồn tại trong lĩnh vực đất nông nghiệp: Những người có đất nhiều thì được canh tác, còn người có đất ít thì cho người có đất nhiều thuê lại. Đây là điều bất cập của người nông dân. Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần nêu rõ vấn đề hạn điền. Người dân muốn tăng hạn điền lên mức lên 15-20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư phát triển nông nghiệp.
Vậy nhưng, nông dân chưa được hỗ trợ trong việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, nên dẫn tới cạnh tranh giá thành sản phẩm nông nghiệp, thua thiệt so với các nước trên thế giới. Đất không thể nở ra. Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn.
Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tư, người dân có đất nông nghiệp ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM chia sẻ về nguyện vọng được cất ngôi nhà tạm để che mưa, che nắng trên khu đất bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm.
Khu đất nông nghiệp ông Nguyễn Văn Tư nhận chuyển nhượng có diện tích 1.089m2, có sổ đỏ, tọa lạc tại ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Từ đó đến nay, khu đất bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm. Cụ thể là vướng 3 quy hoạch: giao thông, bến xe, công viên.
"Tôi nghỉ hưu đã lâu, sức khỏe giảm sút. Tôi muốn xin xây cái chuồng nho nhỏ để nuôi gà, vịt tại phần đất nông nghiệp nói trên. Nhưng khi ra chính quyền địa phương xin thì được cho biết, bị vướng quy hoạch, không được xây dựng. Muốn xây chuồng gà tôi phải làm dự án trình lên UBND xã. Tôi mong chính quyền địa phương xem xét để tôi có thể làm chuồng nuôi vài con gà, vịt, bò, heo để cải thiện cuộc sống. Thêm vào đó, hiện khu đất này tôi đang để cho hai người cháu của mình ở giữ đất, nhưng cái chòi đã hư hỏng, mùa mưa thì dột phải lấy bạt để trùm mái nhà, nước ngập đến đầu gối, rắn rít rất nhiều... Rất khổ. Tôi mong chính quyền cho tôi sửa cái nhà để các cháu đỡ vất vả. Khi chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ thì tôi sẽ phá dỡ ngay, không đòi hỏi bồi thường", ông Nguyễn Văn Tư bộc bạch.
"Thêm nữa, khu đất đó vướng quy hoạch quá lâu, không biết bao lâu nữa thì các cơ quan chức năng mới giải quyết vấn đề tồn tại này? Tôi đề nghị các cấp chính quyền TPHCM cần sớm tháo gỡ vấn đề vướng quy hoạch ở huyện Hóc Môn. Đây là vấn đề cực kỳ thiết yếu trong đời sống, vì bị quy hoạch treo hơn 10 năm rồi!", ông Nguyễn Văn Tư nói.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn Dương Văn Phúc cũng nêu vấn đề, khi thực hiện các dự án công cộng thì giá đền bù đất nông nghiệp hiện ổn hơn các năm trước. Nhưng thực tế so với giá thị trường thì rất khác, chưa hài hòa.
"Đất nông nghiệp tại TPHCM, trên giấy chứng nhận là đất trồng lúa thì định giá đất giá trị rất thấp, dù nó có nằm trong quy hoạch khu dân cư, và người dân chưa có điều kiện để thực hiện thủ tục chuyển đổi đất. Một khó khăn nữa đối với tổ chức bộ máy tại huyện, đó là công việc nhiều nhưng rất ít người làm. Hiện chỉ còn 1 trưởng phòng, 2 phó phòng nhưng phải đảm nhiệm việc về thẩm định về môi trường, thẩm định đất, pháp chế, giấy chứng nhận, hồ sơ... Xin kiến nghị, TPHCM nên có thêm biên chế cấp huyện và cấp xã để giải quyết công việc", ông Dương Văn Phúc nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, chia sẻ vấn đề Luật Đất đai 2013 chỉ nói bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà không đề cập "hậu tái định cư".
Trong Luật Đất đai sửa đổi, cần có nội dung "hậu tái định cư", phân ra đầu kỳ, trung kỳ, cuối kỳ để đánh giá. Hậu tái định cư bao gồm cả vấn đề nhà ở, việc làm, thu nhập, chính sách y tế, cơ sở tín ngưỡng dân gian...; đồng thời phải thiết lập những tiêu chí cụ thể, phương thức, cách đánh giá, cách làm.
Ông Trần Minh Thơ nhấn mạnh, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hậu tái định cư cần thước đo 5 năm để đánh giá kết quả thực hiện. Về trình tự, quy định hiện nay chỉ có “khúc giữa” đề cập việc thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; không có khâu chuẩn bị ban đầu và không có khâu thực hiện chính sách hậu tái định cư để đạt mục tiêu người dân có nhà ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi Nhà nước thu hồi đất.
Cũng theo nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khi sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định rõ: danh mục dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì trong báo cáo khả thi được duyệt phải nói rõ nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hậu tái định cư áp dụng cho những người dân bị ảnh hưởng, phải dự toán chi phí cho công việc này.
Khi thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cần phải thẩm định tính chính xác, đầy đủ thông tin, số liệu và tính khả thi các giải pháp, chính sách bồi thường, tái định cư mà báo cáo khả thi dự án có thu hồi đất đề cập.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chia sẻ: "Ai cũng nói đất là nguồn hữu hạn, nhưng việc sử dụng hiệu quả đất đang gặp 2 vấn đề lớn. Đó là tình trạng lãng phí đất hoang khi trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, xây "đô thị ma" nhưng không có người ở, chỉ có các đầu cơ "ôm" đất. Việc đầu cơ này đã đẩy giá đất lên cao, tạo nên "cái gọi là giá đất thị trường" vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp. Tôi phản đối những người hay đem giá nhà đất TPHCM so với Tokyo, New York… nhưng họ quên một điều là, thu nhập quốc dân của các quốc gia này gấp mấy chục lần nước ta". TS Trần Du Lịch phát biểu tại tọa đàm Liên quan vấn đề giá thị trường đối với đất đai, TS Trần Du Lịch nói việc đi tìm giá thị trường chẳng khác nào "đi tìm lá diêu bông". Ví dụ giá đất ở TPHCM, với một miếng đất, mật độ xây dựng, tầng cao bao nhiêu sẽ có giá khác nhau nhưng trong Luật Đất đai lại chưa đề cập vấn đề này. Đối với phương án đền bù với các trường hợp bị thu hồi đất, cần xem lại và lưu ý bất cập hiện nay khi chúng ta phát triển theo kiểu người dân "trúng số" hoặc "xui xẻo" khi người mất đất thì thiệt hại, người sau lưng lại hưởng lợi. Về vấn đề làm luật, ông Trần Du Lịch ví von "như đan lưới, muốn bắt tất cả các loại cá". Luật nên phân cấp, phân quyền cho địa phương, luật chỉ quy định những vấn đề liên quan quốc gia. Ví dụ, Sơn La, Hà Nội, TPHCM... làm sao giống nhau được? Thứ nữa, vấn đề thuộc quan hệ dân sự thì không nên đưa vào luật này, nên trả về cho Luật Dân sự... Dự thảo luật còn quá rườm rà, những vấn đề gì thuộc chức năng của các Bộ bình thường thì không nên đưa vào luật. Đây là những vấn đề mang tính quan điểm mà Quốc hội nên chấn chỉnh. Cuối cùng, luật này muốn làm cần phải đối chiếu với các luật khác, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, không thể cứ đầu nhiệm kỳ Quốc hội ra luật, cuối nhiệm kỳ Quốc hội lại sửa. Luật pháp phải mang tính ổn định. |
Đánh giá cao buổi tọa đàm về mặt nội dung và thời điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, sáng mai 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp chuyên đề về pháp luật để xem xét, ý kiến một số vấn đề dự thảo Luật trình Quốc hội. Tọa đàm của Báo SGGP có nhiều thông tin rất hữu ích, mong Báo tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội trong việc đóng góp ý kiến dự thảo Luật. Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG
|