Báo SGGP tiếp tục hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nặng tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh

Ngay sau khi đặt chân đến đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, chiều 14-9, PV Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ 5 hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) tại xã Đồng Tiến và 1 hộ tại thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, mỗi hộ 2 triệu đồng, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là những hộ thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, nhà bị hư hỏng nặng nhất trên địa bàn huyện đảo.

hoangtan.jpg
Khu vực sản xuất của người dân trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh tan hoang sau cơn bão số 3. Ảnh: QUỐC HÙNG
ct1.jpg

Vào được nhà anh Phạm Văn Hoằng (thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến), chúng tôi phải cúi người đi qua những đường dây cáp, dây điện bị bão quật ngã vắt chéo ngang đường. Trong vườn nhà anh Hoằng, cây cối ngã la liệt; ngôi nhà cấp 4 cũ nát, mái ngói bị gió bão thổi bay gần như toàn bộ.

Ngậm ngùi khi tiếp chuyện với chúng tôi, anh Hoằng nói: Khổ quá anh ơi! Nhà cửa tan hoang cả tuần nay chưa có tiền để sửa chữa. Nay may có mấy anh bộ đội và bà con trong vùng thương tình phụ giúp dọn dẹp chứ không biết khi nào mới dọn được.

Chỉ tay về phía tấm bạt giăng ở góc bếp, anh cho hay, mấy ngày nay 4 cha con anh ngủ tạm cái giường kê chỗ tấm bạt. Ba đứa nhỏ ngủ còn anh sau 20 giờ phải đi biển kiếm con mực con cá để chạy ăn hằng ngày.

z5831920327062_dc9a0e78c37504c2d830aacd8dc0eed0.jpg
PV Quốc Hùng - Báo SGGP trao tiền hỗ trợ cho anh Phạm Văn Hoằng

Anh kể, vợ anh đã bỏ nhà đi, một thân anh nuôi 3 đứa con đang độ tuổi ăn học và mẹ già nên vất vả vô cùng. "Số phận nó thế phải chịu biết sao giờ", anh Hoằng cảm thán. Anh cảm ơn Báo SGGP và bà con từ miền Nam đã lặn lội ra tận đảo xa giúp đỡ gia đình anh cũng như nhiều bà con trong lúc khó khăn này.

Hoàn cảnh "mẹ góa con côi" của chị Ngô Thị Đông (khu 4, thị trấn Cô Tô) cũng vô cùng khó khăn, chị lại mang bệnh hiểm nghèo. Thu nhập của chị chỉ trông chờ vào con heo, con gà... Chị Đông có người con trai lớn đã mất nhiều năm khi đi biển. Năm 49 tuổi, chị sinh thêm được một bé gái, hiện đang học lớp 2. Bão số 3 đã cuốn bay toàn bộ mái nhà của 2 mẹ con chị, căn nhà trống huơ trống hoác chỉ còn trơ trọi 4 bức tường. Những ngày qua, 2 mẹ con căn tạm tấm bạt trên 4 cây trụ để mắc mùng ngủ tạm.

ngothidong.jpg
PV Quốc Hùng - Báo SGGP trao tiền hỗ trợ cho chị Ngô Thị Đông

Hiện trên đảo này còn rất nhiều gia đình khó khăn sau bão rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, để bà con sửa nhà, ổn định cuộc sống.

Trước khi bão số 3 đổ bộ vào đảo, lực lượng chức năng huyện đảo Cô Tô yêu cầu 100% tàu thuyền đưa về neo đậu tại cầu cảng phía đường Nguyễn Công Trứ thuộc khu 3, thị trấn Cô Tô. Tất cả thuyền viên và người lao động rời tàu lên khách sạn hoặc nhà dân trú ẩn.

Anh Nguyễn Anh Đức (53 tuổi, ở thôn Hợp Tân, xã An Phú, tỉnh Thanh Hóa) và 5 người thân họ hàng là chủ đội tàu đánh bắt hải sản ở khu vực Cô Tô hơn 20 năm qua. Ứng phó trước khi bão vào đảo, anh Đức cùng gia đình, bà con đưa 6 chiếc tàu vào neo đậu chắc chắn ở khu 3, đường Nguyễn Công Trứ. Nhưng cơn bão số 3 quá mạnh, càn quét khi đổ bộ, trong 6 chiếc tàu neo đậu có 3 chiếc bị sóng biển đánh phá tan tành, không thể sửa chữa được.

"Mỗi chiếc trị giá trên dưới 500 triệu đồng, số còn lại hư hỏng buộc phải sửa chữa”, anh Đức buồn bã cho hay.

“Còn người còn tài sản, anh em cùng động viên nhau lên tàu tiếp tục bám biển. Tài sản mất đi có thể gây dựng lại và phía sau là cả một gia đình trông cậy vào mình", anh Đức nói.

hoangtan11.jpg
Gió bão giật bay toàn bộ khung mái nhà xưởng của người dân. Ảnh: QUỐC HÙNG
hoangtan2.jpg

Ông Lê Đức Thụ, chủ của 13 cơ sở sứa trên đảo cho biết, 2 ngày trước bão, ông và công nhân chằng dây, gia cố nhà xưởng, các khu vực kè yếu. Khu vực xưởng chế biến sứa rộng hàng trăm mét vuông được gia cố bằng dây kẽm buộc chéo các nhà xưởng lại với nhau, vì biết đây là cơn bão rất mạnh. Gia sản đầu tư mấy chục tỷ đồng trong 20 năm làm nghề sứa nên ông không dám chủ quan. Dù gia cố rất kỹ nhưng gió bão quá mạnh đã giật bay toàn bộ khung mái nhà xưởng.

ong-hoang-3995.jpg
PV Quốc Hùng - Báo SGGP trao tiền hỗ trợ cho anh Cao Phản

Cô Tô là nơi tập trung hàng chục hộ kinh doanh, thu mua và chế biến sứa mấy chục năm qua. Không riêng gia đình ông Thụ, mười mấy hộ kinh doanh nghề sứa với hàng chục nhà xưởng kéo dài hàng trăm mét cũng đã bị bão tàn phá tan hoang.

“Gần 20 năm kinh doanh nghề sứa, gia đình tôi gây dựng được 5 nhà xưởng giá trị hàng chục tỷ đồng, giúp hàng trăm người dân lao động có công ăn việc làm. Thế chấp ngân hàng 3 căn nhà để vay tiền đầu tư xây dựng nhà xưởng nay trắng tay”, ông Thụ nghẹn ngào chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục