Báo SGGP tiếp tục đến với người dân vùng lũ

Nhận được chỉ đạo của Ban Biên tập về việc khẩn trương cứu trợ người dân đang gặp hoạn nạn và thiệt hại nặng nề do lũ lụt sau bão số 3, nhóm công tác của Báo SGGP tiếp tục tới những vùng đang là tâm lũ ở miền Bắc…

Đại diện Báo SGGP trao quà hỗ trợ người dân đang bị cô lập ở thôn Mai Trung (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) ngày 12-9. Ảnh: VĂN PHÚC
Đại diện Báo SGGP trao quà hỗ trợ người dân đang bị cô lập ở thôn Mai Trung (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) ngày 12-9. Ảnh: VĂN PHÚC

Mái nhà là giường

Ngày 12-9, chúng tôi mang theo tiền và hàng cứu trợ của bạn đọc Báo SGGP đến xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Đã 3-4 ngày qua nhưng nước lũ sông Cầu vẫn ngập đến tận nóc những ngôi nhà cấp 4, gần lút cột điện, vút ngọn chuối. Trong các thôn Mai Thượng, Mai Trung và Mai Hạ, lũ lượt thuyền chở người ra vùng nước ngập để nhận mì tôm, lương khô, nước uống… rồi quay trở vào tiếp tế cho người còn mắc kẹt. Trên bờ đê, PV Báo SGGP đã trao tiền, quà cho cụ Đỗ Thị Thắng (73 tuổi) ở thôn Thắng Lợi. Cụ cảm động cho biết, bản thân sống một mình, không có con cái. Lâu nay, sống chủ yếu nhờ khoảnh rau và khoản trợ cấp 700.000 đồng/tháng của Nhà nước. “Tôi chỉ có một căn nhà nhỏ cấp 4, không có tài sản gì. Nước lên nhanh tôi không chạy kịp, bị kẹt lại nhưng sau một đêm may mắn được chính quyền địa phương sơ tán ra ngoài”, cụ Thắng chia sẻ.

Khung cảnh ở xã Mai Đình ngày 12-9 tất bật khi địa phương không đủ xuồng máy để cứu hộ những người dân còn mắc kẹt. Một số gia đình có thuyền sắt nhỏ nhưng di chuyển từ trong thôn ra khỏi vùng nước lụt (ở trung tâm xã) mất 30-40 phút chèo tay. Chị Đỗ Thu Hằng, thôn Mai Thượng, cho biết, mẹ chồng đã được sơ tán về trung tâm xã nhưng cha chồng là ông Đặng Thanh Ngọ vẫn kẹt trên mái nhà. Chiếc xuồng máy vào thôn Mai Thượng cứu người bị thủng vì đã chạy hết công suất mấy ngày qua - mỗi lần chết máy giữa dòng sau 1-2 tiếng mới lại sửa xong nên nhóm công tác của Báo SGGP đã gửi lại quà cho vợ ông là bà Đinh Thị Toan (đang di tản ở trung tâm xã). Bà Toan cho biết, đến chiều khi có xuồng sẽ gửi đồ ăn vào trong cho chồng. Qua điện thoại, ông Ngọ nói: “Điện thoại tôi sắp hết pin rồi, ba hôm nay tôi ăn ngủ trên mái nhà”.

Đợi gần 2 tiếng sau mới có xuồng, chúng tôi vượt nước lũ đem hàng cứu trợ đến tiếp tế cho những người dân đang mắc kẹt ở thôn Mai Trung. Phó trưởng thôn Âu Xuân Sử cho biết, thôn Mai Trung nằm sát mép sông Cầu. Ngày 12-9 nước vẫn lên chứ chưa rút. Các gia đình trong thôn hầu như mất trắng, chỉ kịp cứu người.

Để vào được sâu trong làng trao quà xuồng chúng tôi phải luồn qua rừng dây điện. Cúi rạp người xuống lòng xuồng mà dây điện vẫn chạm lưng. Nước lũ đỏ ngầu đang ngập tới nóc những ngôi nhà mái ngói cũ mốc. Trong một ngôi nhà mái ngói cao hơn, 3 người đàn bà đang bấu víu nhau, đợi nước xuống. Chị Đặng Thị Phúc (sinh năm 1975) cho biết, nhà chỉ có 3 chị em. Người chị cả tên Đảm (sinh năm 1965) bị bệnh thần kinh đã di tản xuống huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trước lũ. Người chị thứ 2 (sinh năm 1966) đang bệnh nặng, ngồi trên giường nhưng nước ngập gần đến gối. Bản thân chị Phúc đã 5 lần mổ, lũ lớn quá, hai chị em không chạy đi đâu được. Sang ở nhờ nhà chị Phúc còn có bà Lê Thị Chi (sinh năm 1961). Nhà bà mái ngói cũ kỹ nhưng xây thấp nên nước ngập quá bàn thờ. Cầm món quà và tiền bạn đọc của Báo SGGP gửi gắm, bà Chi cùng chị em chị Phúc rơm rớm nói: “Mất sạch hết rồi các bác ơi. Hỗ trợ bao nhiêu giờ rất quý”.

Ông Âu Xuân Sử tiếp tục dẫn chúng tôi đến các gia đình khác để trao quà cứu trợ. Trong nhiều ngôi nhà, chúng tôi thấy còn nhiều người già và trẻ em ở lại. Trong các ngõ nhỏ, xuồng to không thể vào. Cũng như các đoàn cứu trợ, chúng tôi phải ròng dây rồi buộc đồ ăn nước uống trong túi ni lông để những người đang mắc kẹt kéo lên.

Mất trắng

Từ Bắc Giang, chúng tôi tiếp tục đến phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên) trao quà từ thiện. Chiều 12-9, nước lụt sông Cầu ở địa phương này đã rút hoàn toàn. Thế nhưng tất cả chỉ còn đống đổ nát.

Phó Chủ tịch HĐND phường Quang Vinh Liễu Thị Thu Nguyệt cho biết, hiện tại chưa thể thống kê toàn bộ thiệt hại. Rất nhiều người dân đang gặp khó khăn. Từ hôm qua đến nay đã có nhiều đoàn từ thiện đến cứu trợ hàng (nước uống, thực phẩm, gạo…). Có bao nhiêu phường chia ra trao ngay cho từng nhà.

Run run cầm túi quà và tiền hỗ trợ của Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Lịch (sinh năm 1963) ở tổ 10 cùng những chủ hộ nghèo bị mất trắng nhà cửa ở phường Quang Vinh, cho biết: Suốt 3 đêm rồi tôi phải leo lên nóc nhà để tránh lũ. Lo nước lũ đến không ngủ nổi. Điện thoại không có, xuồng cứu hộ cũng không vào được”. Ông Lịch và bà con xúc động gửi lời cảm tạ những tấm lòng không thể đong đếm của độc giả đã gửi gắm qua Báo SGGP tới những người đang hoạn nạn.

Trên đường trở ra, chúng tôi không thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh mất mát và thiệt hại mà những người dân ở đây đang gánh chịu. Chủ xưởng chế biến bột mì Thái Bảo tiết lộ, nước lũ đã cướp trắng hơn 100 tấn bột mì chưa tiêu thụ kịp, trị giá hàng tỷ đồng. “Ở đây có rất nhiều người khá giả nhờ buôn bán. Nhưng giờ thì mất trắng rồi”, chủ xưởng Thái Bảo nói.

Tin cùng chuyên mục