Mặc dù hiện tại bão còn nằm ở khơi xa thuộc phía Đông Philipines nhưng hồi 17 giờ 30, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng đã phát bản tin cảnh báo về cơn bão hiếm gặp này.
Theo đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông miền Nam Philippines đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Sanba.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão Sanba ở vào khoảng 7,1 độ vĩ Bắc - 135,2 độ kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Philippines khoảng 1.000km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Sanba di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 30km. Đến 16 giờ ngày 12-2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ vĩ Bắc - 129,4 độ kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Philippines khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Sanba tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 30km. Đến 16 giờ ngày 13-2, tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ vĩ Bắc - 124,1 độ kinh Đông, trên khu vực miền Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Sanba tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, tốc độ 25-30km/giờ.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng – thủy văn Quốc gia, như vậy sau khi đi vào biển Đông thì Sanba sẽ là cơn bão số 2 của năm 2018 và xuất hiện ngay vào dịp Tết Nguyên đán, khởi đầu mùa xuân. Bão Sanba là cơn bão rất hiếm gặp, tuy nhiên trong lịch sử đã từng xảy ra cơn bão như vậy.
Theo dự báo sơ bộ thì bão Sanba sẽ suy yếu trên biển Đông sau khi đi vào khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa do gặp không khí lạnh từ phía Bắc xuống. Theo ông Hải, đây cũng chỉ là cơn bão rơi rớt cuối mùa bão 2017 chứ chưa phải là cơn bão của mùa bão 2018 (phải tháng 5 tới mới bắt đầu). Trong năm 2017, đã có tổng cộng 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nếu thêm 2 cơn rơi rớt là tổng cộng có 22 cơn.