Ngày 13-9, sau một đêm mưa to, con đường qua trung tâm xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên, Lào Cai) để vào trong Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên) tiếp tục có thêm nhiều điểm sạt lở lớn khiến việc di chuyển của người dân, lực lượng cứu hộ và nhiều nhóm tình nguyện gặp không ít khó khăn, nguy hiểm.
Với mong muốn được đóng góp, chia sẻ một phần rất nhỏ nỗi đau thương, mất mát của bà con Làng Nủ sau trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng, nhóm phóng viên Báo SGGP đã tìm tới Nhà văn hóa thôn Làng Nủ - nơi nhiều người dân nơi đây đang làm nơi ở tạm thời, để gửi những khoản hỗ trợ rất tình cảm, thiết thực, kịp thời của Báo SGGP và bạn đọc báo.
Mặc dù, chúng tôi đã nhờ ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ liên hệ trước với bà con để về tập trung tại Nhà văn hóa nhưng phải khá lâu, đại diện những hộ thiệt hại nặng nhất mới có mặt đầy đủ vì bà con còn tiếp tục cùng với các lực lượng chức năng vật lộn với đất đá, bùn lầy tìm kiếm những người mất tích.
Đón nhận món quà của Báo SGGP hỗ trợ, bà Hoàng Thị Sợi (58 tuổi, thôn Làng Nủ) là một trong số ít những người dân thoát chết sau trận lũ quét kinh hoàng, nghẹn ngào cho biết: Đau xót lắm, cả nhà có 6 người thì giờ còn mỗi tôi và con trai, 3 đứa cháu nội (15, 13 và 2 tuổi) cùng với con dâu đã mất tích sau lũ quét, đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.
Ngồi kế bên là bà Hoàng Thị Hiến (63 tuổi, thôn Làng Nủ), từ hôm trận lũ quét xảy ra tới giờ, bà Hiến khóc cạn nước mắt khi vợ chồng con trai của bà là anh Hoàng Văn Tuân và chị Hoàng Thị Quyên đều đã bị lũ cuốn trôi và hiện mới chỉ tìm thấy được thi thể anh Tuân. Lo lắng và đau buồn hơn, đứa cháu trai của bà Hiến mới 6 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai trong tình trạng rất nguy kịch.
11 gia đình ở Làng Nủ được Báo SGGP trao hỗ trợ lần này đều là những hộ dân bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Họ không chỉ mất sạch nhà cửa, đồ đạc mà còn mất rất nhiều người thân yêu của mình.
Anh Sầm Văn Bống (44 tuổi) sau khi nhận quà hỗ trợ của Báo SGGP cho biết, nhà có 7 người thì mất 5, gồm: vợ, con gái út, con trai cả, con dâu và cháu ruột. “Con trai thứ 2 của tôi đang đi làm thuê ở Bắc Ninh nên thoát nạn. Còn tôi, sáng đó có việc nên ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng. Đi được một lúc, đang trên đường thì nghe có tiếng nổ từ lưng chừng núi, sau đó tiếng nước ào ào, tiếng đất đá lục khục rền rĩ kéo dài. Chạy trở lại thôn thì không còn gì nữa…”, anh Bống nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó.
Đồng thời chia sẻ thêm, những ngày qua, bà con và lực lượng chức năng giúp cho cái ăn, chỗ ở, áo quần và cho mượn 1 cái điện thoại để liên lạc. Bản thân anh Bống cũng tham gia tìm kiếm người thân mình và bà con làng xóm còn mất tích.
Đến ngày 12-9, đã tìm được xác con trai cả, con dâu và cháu ruột. “Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ, hỗ trợ, động viên. Cảm ơn Báo SGGP đã đến đây và hỗ trợ tôi cùng bà con. Tài sản mất có thể làm lại được chứ người chết rồi mà không tìm thấy thì đau xót lắm, không gì có thể so sánh được. Mong ước lớn nhất của tôi giờ chỉ là sớm tìm thấy được thi thể vợ và con gái út để chôn cất tử tế. Sau nữa là có miếng đất, làm lại căn nhà để ở. Chứ giờ tôi chả còn gì…”, anh Bống nghẹn ngào.
Cùng ngày, nhóm phóng viên Báo SGGP cũng đã tới khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên để trao quà hỗ trợ của Báo SGGP cho 8 bệnh nhân là người dân Làng Nủ đang được điều trị tại đây.
37 hộ với cả trăm con người ở Làng Nủ đang cần hỗ trợ về mọi mặt. Những tình cảm, chia sẻ của Báo SGGP chưa thấm vào đâu với nỗi đau thương, mất mát quá lớn nơi đây. Cùng với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đang khắc phục hậu quả thiên tai, Báo SGGP rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của mọi người dân, để Làng Nủ có thể với bớt đi nỗi mất mát, đau thương và sớm có thể “hồi sinh” bên dòng suối Nủ.