Ngày 19-5, đồng loạt nhiều báo, trang tin điện tử đưa tin về Công văn 2116/CXBIPH-QLXB ký ngày 16-4 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (CXB), trong đó yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ” và “lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam”.
Trong vòng một tháng rưỡi qua, CXB đã ra 4 công văn xử phạt NXB sách ngôn tình vì nội dung “sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm”. Công văn ngày 21-4 buộc đình chỉ phát hành và sửa chữa nội dung cuốn Nở rộ (tác giả Sói Xám Mọc Cánh, Công ty Đinh Tị và NXB Thời Đại phát hành) vì có nhiều chi tiết phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Công văn ngày 25-4 yêu cầu dừng phát hành, thu hồi để sửa chữa nội dung cuốn Anh là định mệnh trong đời (tác giả Toàn Mộc, Công ty Huy Hoàng và NXB Văn Học phát hành) vì có chi tiết thể hiện lối sống buông thả trong tình yêu của giới trẻ, gây ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc tuổi mới lớn.
CXB còn ra công văn yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc thực hiện cuốn Đồng lang cộng hôn (tác giả Diệp Lạc Vô Tâm, Công ty Đinh Tị và NXB Văn Học phát hành) vì có chi tiết miêu tả tình dục tỉ mỉ, không cần thiết.
Nếu vào các trang đọc sách miễn phí đầy rẫy trên mạng thì sẽ dễ dàng tìm thấy mục “Ngôn tình” nằm trên cùng với lượng xem và bình luận cao. Cũng như những tựa sách vừa bị CXB “sờ gáy”, những tựa sách ở đây rặt một kiểu “nhập khẩu từ Trung Quốc” như Ác ma chi sủng, Ác nam hấp dẫn, Áp trai tân nương… Và các bình luận của các thành viên tại đây cũng mang “âm hưởng kiếm hiệp”, sến súa: “Nhược Bạch sư huynh là thanh niên nhà nghèo mà sao mặc đồ đẹp dữ vậy”, “Với thế giới này, em nhỏ bé chẳng đáng kể, nhưng với tôi, em lại là cả thế giới”… Với nội dung không mang tính văn học cao, nhưng nếu vì thế mà lên án hay cấm ngôn tình liệu có thỏa đáng?
Sau nhiều thông tin liên quan sách ngôn tình, gần đây, nhiều phụ huynh hỏi nhau: “Ngôn tình là gì?”. Quả thật, muốn cấm hay tạm thời siết nội dung của sách ngôn tình thì cần nhận diện sách ngôn tình là gì và có các căn cứ, tiêu chí rõ ràng để đánh giá nội dung thế nào mới được lưu hành, thế nào là nên cấm.
Nói về thể loại sách ngôn tình, nhà phê bình Văn Giá chia sẻ: “Sách ngôn tình là dòng tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới số đông và có tính đại chúng”. Vậy nếu nói như nhà phê bình Văn Giá, sách ngôn tình không phải chuyện mới toanh và ngôn tình chưa hẳn có tội. Vậy “bão ngôn tình” gần đây ở đâu ra? Internet; Nhu cầu của giới trẻ; Truyền thông thổi phồng… và có lẽ việc nhiều bài báo công kích ngôn tình gần đây cũng góp phần gây “bão ngôn tình”.
Thiết nghĩ, những người định hướng cần làm đúng vai trò của người định hướng, đừng vơ đũa cả nắm bằng những đánh giá mơ hồ và cảm tính kiểu: “phản cảm”, “sáo mòn”, “vô bổ”, “buông thả trong tình yêu”, “nội dung không lành mạnh”… mà không đưa ra được nhiều dẫn chứng từ những cuốn sách ngôn tình.
Đừng coi thường độc giả trẻ! Hãy nghe ý kiến từ bạn Trần Việt Quỳnh Anh, (học sinh lớp 12D Trường PTTH Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TPHCM), một trong những độc giả của ngôn tình: “Năm lớp 10 và 11, em rất thích đọc sách ngôn tình. Khi đó ngôn tình mang đến cho em cũng như các bạn bè xung quanh một thế giới của tưởng tượng và mơ mộng. Ở đó có những chàng trai trong mộng của mọi cô gái, yêu hết mình, có những cô gái dám yêu dám hận, có những cuộc tình như trong chuyện cổ tích…
Tuy nhiên, đến năm lớp 12 thì mọi chuyện thay đổi, em dần thấy ngôn tình trở nên xa cách, những chuyện tình vốn rất đẹp thì ngày càng vô lý và hư ảo… Theo em nhà nước không cần phải quá lo sợ ngôn tình sẽ làm hỏng giới trẻ vì thực ra chỉ cần đến một lúc nào đó bạn đọc như chúng em sẽ lãng quên ngay những câu chuyện như thế”.
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG THỨ BẢY