Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, sáng sớm nay 31-10, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định - Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Tại An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió giật mạnh cấp 9, ở Quảng Ngãi gió giật cấp 7; An Khê (Gia Lai) gió giật cấp 7-8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Chiều nay, áp thấp đã đi sang Campuchia.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo: Thiệt hại ban đầu do bão gây ra, về người có 2 người bị thương tại Quảng Ngãi. Mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Về hệ thống điện, nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Tuy nhiên đáng quan ngại là về tình hình tàu thuyền bị thiệt hại do mưa bão.
Cụ thể, đã xảy ra các sự cố tại Quy Nhơn - Bình Định: 7 tàu vận tải với 70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi, tính đến 2 giờ 30 sáng nay 31-10 còn 1 tàu bị mắc cạn, 1 tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, 5 tàu đã khắc phục đảm bảo an toàn.
Ngoài ra có 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị va đập. Đến nay, có 25 tàu được khắc phục và đi vào nơi neo đậu an toàn (còn lại 45 tàu đang được hỗ trợ xử lý), có 1 tàu chở 3 người bị trôi ra ngoài cảng đã được cảng vụ cứu hộ an toàn về người.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, tại TP Quy Nhơn (Bình Định) trong đêm 30-10, gió bão đã quật ngã rất nhiều cây xanh, có những cây cổ thụ đường kính rất lớn. Các tuyến đường Lý Thái Tổ nối dài, đường Vũ Bão, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo… hàng loạt cây xanh bị gió bão bẻ gãy hoặc xô bật gốc trên nền gạch… Toàn bộ thành phố bị cắt điện hoàn toàn sau khi bão đổ bộ.
Cũng trong đêm 30-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định cũng đã phát thông tin liên quan đến 4 con tàu vận tải (48 thủy thủ) trên tàu bị nạn ở vùng mặt nước vịnh Quy Nhơn.
Trước đó, khoảng 19 giờ 30, đơn vị tìm kiếm của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã phát hiện các tàu vận tải trên bị sự cố trên. Các tàu bị trôi neo, mắc cạn ở các mũi đá.
Đặc biệt, trong đó có tàu Long Châu (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 5 người), bị trôi neo, va chạm vào bến phao dầu An Phú (trong phao dầu An Phú có khoảng 300 tấn dầu)…
Ngay khi tiếp nhận sự việc, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Định đã có văn bản báo cáo khẩn, đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo phương tiện hỗ trợ khẩn cấp. Đồng thời, chỉ đạo Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phối hợp hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại do bão số 5 gây ra.
Trong đêm 30-10, tỉnh Phú Yên đã tiến hành di dời, sơ tán gần 2.000 hộ dân (7.000 người dân) để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 5. Nhiều địa phương ở TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, Tây Hòa… đã bị mất điện.
Quảng Nam mưa lớn kéo dài, gần 22.000 học sinh nghỉ học Sáng 31-10, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hội An cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trước tình hình mưa lớn kéo dài, Phòng GD-ĐT thành phố quyết định cho gần 22.000 học sinh từ cấp mầm non đến bậc THCS được nghỉ học. Theo đó, học sinh được nghỉ học ngày 31-10, sau đó tùy vào tình hình thời tiết mà Phòng GD-ĐT sẽ thông báo cho nhà trường và học sinh thời gian đi học lại. Cũng trong ngày 31-10, toàn học sinh huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cũng được nghỉ học. Trước đó, 30-10, Sở GDĐT Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh về việc ứng phó với bão số 5. Sở yêu cầu các cơ quan, đơn vị có kế hoạch chằng chống, khơi thông máng xối trường lớp, chú ý đảm bảo an toàn hệ thống điện. Cũng trong sáng nay, Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Nam cũng có công văn số 10/CBL-ĐKTTVQN cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn. Theo công văn, từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 31-10, các địa phương trong tỉnh đã có mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50- 100mm (Trà My 148mm). Dự báo trong 6 ngày tới, Quảng Nam sẽ có mưa to và rất to, các sông trên địa bàn sẽ xuất hiện lũ lớn, lũ quét tại các sông suối, sạt lở đất. Đặc biệt Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang… và một số nơi ngập úng cục bộ tại một số địa phương: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn… Đà Nẵng: Hàng loạt cây ngã đổ do ảnh hưởng bão số 5 Theo ghi nhận của PV Báo SGGPO tại TP Đà Nẵng, nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, khu vực 2 đầu cầu Trần Thị Lý… nhiều cây xanh ngã đổ bật gốc nằm chắn một phần lòng đường. Tại đường Lê Hồng Phong, một cây xanh đã bị ngã bật gốc đè lên một chiếc ô tô cá nhân, rất may không có thiệt hại về người. Một cây xanh ngã đổ chắn ngang đường phố ở Đà Nẵng Cũng trong sáng 31-10, tại quận Sơn Trà, huyện Hòa Vang do mưa lớn kèm theo gió mạnh đã khiến một số khu vực cắt điện để đảm bảo an toàn. Ngay trong đêm qua và sáng hôm nay, các lực lượng chức năng đã triển khai ra quân khắc phục ảnh hưởng của mưa bão, chủ yếu là dọn dẹp, cắt tỉa cây xanh ngã đổ, cúp điện để sửa chữa… Cũng do ảnh hưởng của bão số 5, tàu cá ĐNa 27028 của ông Đinh Ký Lộc Phước (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm chủ đã bị sóng lớn đánh chìm tại khu vực trước Trạm CT15. Hiện chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Sơn Trà đang phối hợp cùng gia đình tìm cách trục vớt. |
Quảng Ngãi: Hàng chục nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ, mất điện cục bộ Sáng ngày 31-10, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 5 gây ra, thiệt hại ban đầu hàng chục nhà đã bị tốc mái, cây cối ngã đổ, mất điện cục bộ. Có mặt tại thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhiều hộ dân đang khắc phục nhà cửa khi đêm qua, ngày 30-10, gió bão gây tốc mái tôn, mái ngói, một số hộ phải di dời chỗ ở ngay trong đêm. Ông Võ Văn Phấn - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải, cho biết: “Hiện tại địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, giúp đỡ người dân ổn định chỗ ở, khôi phục các đường dây điện bị cây cối ngã đổ, gây mất điện cục bộ”. Nóc nhà anh Dương Duy Zét bị tốc mái dù mới xây dựng xong. Ảnh: NGUYỄN TRANG Phía huyện Sơn Hà cũng đã cập nhật tình hình thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra, tính đến 10 giờ ngày 31-10. Theo đó, lúc 6 giờ sáng 31-10, cầu tràn Thạch Nham và cầu Sơn Giang qua Sơn Linh, cầu Sơn Kỳ bị ngập sâu, BCH Phòng chống thiên tai huyện Sơn Hà đã triển khai lực lượng để chốt chặn, không cho người dân qua lại. Một số sông suối nhỏ ở các xã Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Thủy bị ngập, cô lập cục bộ một số khu vực. Các xã Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao bị chia cắt hoàn toàn. Từ 20 giờ ngày 30-10, toàn bộ huyện Sơn Hà bị mất điện, đến khoảng 2 giờ ngày 31-10, ngành điện đã khắc phục và cấp điện lại một số khu vực. Hiện còn 3 xã Sơn Linh, Sơn Nham, Sơn Thủy đang khắc phục để cấp điện trở lại. |