Tôi đã bảo lưu việc học đại học và vẫn chưa đi làm. Vậy tôi có thể mua BHYT được không? (Bạn đọc có email: ngminhphuong…@gmail.com)
Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Trường hợp của anh/chị đã bảo lưu tại trường đại học, chưa đi làm và không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thì anh/chị thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Anh/chị có thể đến các điểm thu, đại lý thu BHXH, BHYT, hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất, để tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Tôi nhập ngũ tháng 9-1982, ở trong quân đội đến tháng 6-1996, là đại úy. Sau đó, tôi chuyển ngành và nghỉ hưu vào tháng 4-2017. Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có mã HT3, vậy tôi có được đổi thẻ sang mã số HT2 được không? (Bạn đọc có email: viettrunghoang…@gmail.com)
Nếu ông có đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, hoặc biên giới phía Bắc, hoặc làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, thì thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn. Thẻ được chuyển đổi có ký hiệu là HT2 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT).
Đề nghị ông lập hồ sơ đề nghị thay đổi mã quyền lợi theo phiếu giao nhận hồ sơ 610 (thủ tục, hồ sơ tại địa chỉ: http://www.bhxhtphcm.gov.vn/) nộp cho cơ quan BHXH nơi thuận tiện để được xem xét, giải quyết.
Tôi chuyển tuyến từ bệnh viện (BV) ở Vũng Tàu lên BV Đại học Y Dược TPHCM để cắt amidan vào ngày 23-5. Khi vào cắt, tôi phải đặt cọc 13 triệu đồng cho BV. Sau đó, BV chỉ trả lại tôi có 2.590.000 đồng, còn tôi phải tự chi trả mất 10.490.000 đồng. Như vậy, tôi chỉ được BHYT đúng tuyến thanh toán số tiền rất ít ỏi. Có 2 vấn đề tôi không hài lòng: 1- Tôi phải chi trả số tiền lớn cho cắt amidan, còn BHYT chỉ thanh toán phần nhỏ. 2- BV bắt tôi phải đóng tạm ứng 13 triệu đồng - số tiền quá lớn, mới được khám chữa bệnh. (Bà VÕ THỊ CHÂU, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
* Bà không nói rõ bà điều trị có đúng tuyến hay không (có giấy chuyển tuyến của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu)? Trường hợp bà điều trị nội trú tại BV Đại học Y Dược TPHCM không có giấy chuyển tuyến từ BV Đa khoa tỉnh Vũng Tàu (tức điều trị trái tuyến) thì sẽ được hưởng 40% chi phí khám chữa bệnh trong quy định x mức quyền lợi được hưởng. Trường hợp bà có giấy chuyển tuyến từ BV Đa khoa tỉnh Vũng Tàu thì sẽ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong quy định x mức quyền lợi được hưởng. Các chi phí ngoài quy định như: phẫu thuật theo yêu cầu, phòng dịch vụ… và chi phí đồng chi trả, người bệnh phải thanh toán với bệnh viện.
Trước khi sử dụng các dịch vụ tại BV, về nguyên tắc, BV Đại học Y Dược TPHCM phải giải thích với người bệnh về các khoản phải đóng và có sự đồng ý của người bệnh trên hồ sơ bệnh án. Đề nghị bà liên hệ với Phòng BHYT tại BV Đại học Y Dược TPHCM để được giải thích trong trường hợp chưa đồng ý với các chi phí đã thanh toán với với cơ sở. Nếu vẫn còn điều gì chưa hài lòng, bà vui lòng gửi hồ sơ đến BHXH TPHCM để chúng tôi xem xét, phục vụ.
Tôi mua BHYT ở huyện Hóc Môn, giờ tôi đang ở cùng con cháu ở quận 1. Hôm rồi tôi làm hỏng mất thẻ BHYT và rất ngại trở về huyện Hóc Môn làm lại thẻ. Tôi có thể làm lại thẻ ở BHXH quận 1 được không? (Ông NGUYỄN LÊ HOÀNG, huyện Hóc Môn, TPHCM)
Từ ngày 1-7, BHXH TPHCM đã phân cấp cho BHXH quận, huyện và Văn phòng BHXH TP được thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT của người dân chỉ tham gia BHYT tại các BHXH nơi khác trên địa bàn TP. Như vậy, người tham gia BHYT có thể đến bất cứ đâu trên địa bàn TPHCM để được cấp lại, đổi thẻ BHYT, đổi mã quyền lợi, đổi nơi khám chữa bệnh mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu. Ông có thể ghé BHXH quận 1 hoặc bất kỳ quận, huyện nào ông thấy thuận tiện để được cấp lại thẻ.