Ngày 17-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM giám sát công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận 12.
Ông Nguyễn Văn Ngỡi, Phó Trưởng Phòng LĐTB-XH quận 12 cho biết, quận có hơn 101.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 544 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 1.416 em đang sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo. Quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân nhập cư đông, tỉ lệ trẻ em tăng nhiều, tạo những khó khăn thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tình trạng thiếu trường lớp, thiếu điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em; công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em cũng còn những hạn chế nhất định. Trên địa bàn quận đã xảy ra một số tường hợp trẻ bị bạo hành, bạo lực, xâm hại. Năm 2017, quận xảy ra vụ bạo hành tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh.
Năm 2018, quận xảy ra 8 vụ xâm hại bạo lực trẻ em và 3 vụ trẻ em vi phạm pháp luật. Trong quý 1-2019, quận tiếp tục xảy ra 2 vụ giao cấu trẻ em, 1 vụ hành hạ trẻ em. Công an quận đã chuyển hồ sơ khởi tố một trường hợp giao cấu, 2 trường hợp còn lại đang xác minh làm rõ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ Trẻ em TPHCM chia sẻ, việc theo đuổi xử lý các vụ việc thường rất gian nan, thời gian kéo dài, cha mẹ nạn nhân phải đi lại nhiều lần.
Để bảo vệ trẻ em không bị ảnh hưởng tinh thần, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề nghị, quá trình xử lý vụ việc, cơ quan công an chỉ nên mời cha mẹ, không nên mời các bé tới cơ quan điều tra mô tả đi mô tả lại về vụ việc.
Ước tính, khoảng 90% vụ xâm hại trẻ em xảy ra bởi những người quen biết, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề nghị các gia đình cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo. “Im lặng trong trường hợp này là tội ác”, bà Nữ nhận xét.
Phân tích các vụ xâm hại trẻ em xảy ra, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó Trưởng Công an quận 12 cho biết, đối tượng phạm tội nằm trong độ tuổi từ 17-30. Khó khăn trong xử lý các vụ án là thường chỉ có lời khai của các bé, không có người làm chứng, không có camera, hình ảnh để chứng minh tội phạm.
2 vụ gần đây, có vụ sau khi quan hệ tình dục xảy ra thì không tố cáo, đến lúc có thai, nạn nhân mới đi tố cáo. Lúc này, đối tượng không còn ở địa phương và không rõ ở phương trời nào, công an quận đang truy tìm. Công an quận đang bảo quản mẫu ADN, nếu tìm được đối tượng và khớp về mẫu AND thì mới khởi tố được, còn không thì chỉ có lời khai của người tố cáo, cũng rất khó xử lý.
“Trong khi đó, trong tố tụng, chắc chắn 100% thì viện kiểm sát mới phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, còn 95% thì viện cũng không đồng ý. Quan điểm của viện kiểm sát là thà bỏ sót còn hơn bắt oan. Bỏ sót còn có khả năng phục hồi điều tra lại, còn bắt oan thì… lên đường”, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Quốc Hải khẳng định, quá trình điều tra các vụ xâm hại trẻ em, cơ quan công an thực nghiệm trên hình ảnh, trên ma-nơ-canh chứ không thực nghiệm trên nạn nhân.
Phát biểu cuối buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM đề nghị quận 12 chú trọng tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các khu nhà trọ, nơi nhiều công nhân, người nhập cư sinh sống. Đồng thời, quận 12 cần quan tâm đến nhóm trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục, đảm bảo các bé được quyền sống an toàn, vui vẻ.