“Bạo lực trong thanh niên”: Gia đình là nhân tố quan trọng nhất

Thời gian qua, nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ bạo lực, từ những tình huống bất ngờ đến khó tin như chỉ vì va quẹt nhỏ, một lời nói khích, thậm chí chỉ vì… một cái liếc mắt.

Xã hội suy luận thực trạng này với nhiều góc nhìn khác nhau, rằng bạn trẻ bị tiêm nhiễm từ game bạo lực, phim ảnh, thiếu sự chăm sóc giáo dục dẫn đến lối sống ích kỷ, chỉ quen hưởng thụ. Tuy nhiên, dù nhìn nhận ở góc nào đi nữa, khi xảy ra những sự việc đáng tiếc, trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình.

Các phương tiện truyền thông thời gian qua đã nhiều lần cảnh báo gia đình, các bậc cha mẹ đang buông lỏng con cái. Quả thật, không thể đổ hết trách nhiệm cho phía nhà trường khi bản thân bạn trẻ chưa được quan tâm chăm sóc và giáo dục cơ bản từ gia đình.

Trường hợp nữ sinh 17 tuổi (ở quận 10, TPHCM) bị tòa xử tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới đây chẳng hạn. Vì muốn có tiền để ăn diện, đi chơi và đua đòi, không được gia đình đáp ứng mà cô ta tự mình vạch kế hoạch lên mạng chát, giăng bẫy dụ dỗ con mồi và thực hiện hành vi lừa đảo.

Một trường hợp đau lòng khác là bạn nam học lớp 9 (15 tuổi, ở Thanh Hóa), vì mâu thuẫn rất nhỏ bột phát trong lúc chơi đùa đã dùng dao đâm chết bạn cùng trường.

Chấn động và gây bàng hoàng dư luận là hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa, một người được học hành tử tế nhưng mất nhân tính, giết người bạn gái mình từng yêu thương hết sức man rợ. Không ít những trường hợp con cái phạm tội, mãi khi vụ việc vỡ lở thì các bậc cha mẹ mới biết!

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, có ý kiến cho rằng, phần lớn do trẻ bắt chước những hành vi ứng xử của người lớn trong cộng đồng. Đáng sợ hơn, đó là tâm lý trẻ em không tin vào người lớn. Nếu như trước, khi có xích mích với ai, trẻ có thể tâm sự với ba mẹ, thầy cô và thường được người lớn quan tâm giải quyết, còn bây giờ thì không. Thế nên điều cần quan tâm là những giải pháp từ gia đình.

"Trong khi nhiều phụ huynh lúc nào cũng mong con mình phải vượt trội hơn con người khác, sẵn sàng đem lại mọi điều cho con thì nay xu hướng này có thể ngược lại. Đôi khi, cần phải để con mình biết được cảm giác thua người khác, từ đó rèn cho con tính độc lập và ý chí vươn lên. Một khi đã có nếp nhà tốt, đương nhiên con cái sẽ có ý thức tránh những cạm bẫy” - một tiến sĩ tâm lý chia sẻ.

Đã đến lúc cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết từ trong gia đình để các bạn trẻ biết làm, biết chịu trách nhiệm, lên án cái xấu và biết ứng xử, giải quyết hợp lý những xung đột trong cuộc sống. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục