Trong đó, đa số nguyên nhân các vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong việc tương tác trên các nền tảng mạng xã hội khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng.
Cuối tuần rồi, một câu lạc bộ dạy võ thuật ở phố biển Vũng Tàu bất ngờ nhận được khá nhiều lời đề nghị của phụ huynh về việc dạy võ tự vệ cho các cô gái trong độ tuổi cắp sách đến trường. Chuyện là mấy ngày trước, mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 30 giây ghi lại những hình ảnh kinh hoàng khi nữ sinh của một trường THPT trên địa bàn bị đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm và kéo lê trên vệ đường khiến ai xem cũng bức xúc. Vài ngày sau, lại thêm các vụ bạo lực học đường xảy ra ở Bình Định, Lâm Đồng khiến nỗi lo của các bậc phụ huynh càng tăng thêm.
Nhiều người cho rằng, ngoài việc xử phạt nặng theo luật, áp dụng biện pháp cải tạo những học sinh cá biệt thì cần phải trang bị cho chính con em mình những kỹ năng phòng vệ nhất định. Chị N.T.T. (trú phường 2, TP Vũng Tàu) chia sẻ, nhà có 2 cô con gái đang đi học, cháu lớn đang học lớp 12 và cô em lớp 8. Cả hai đều được gia đình trang bị smartphone để tiện liên lạc và các con của chị đều dùng mạng xã hội. Tuy luôn dặn dò và thậm chí kết bạn với con trên không gian mạng nhưng bản thân vẫn thấy bất an vì chưa chắc chị đã kiểm soát hết hoạt động của con mình. Những hình ảnh đánh nhau dã man khiến chị giật mình và cảm thấy sốc nên cực chẳng đã, chị tìm lớp học võ cho con vào buổi tối.
Còn anh T.V.H. (phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) cho biết, để giảm bớt các rắc rối từ mạng xã hội như “chuyện trẻ con hóa thành người lớn”, thậm chí là xử lý hình sự, anh chỉ cho 2 con học lớp 7 và lớp 9 sử dụng điện thoại có thể nghe gọi, nhắn tin. Tuy bị cho là lạc hậu nhưng anh có phần an tâm hơn. “Tôi vẫn cho các cháu tham gia mạng xã hội trên máy tính ở nhà, nhưng với điều kiện có kiểm soát và kiểm tra khi có gì đó bất thường. Ban đầu các con tôi cũng phản đối rất dữ nhưng sau một thời gian thì mọi việc đều êm xuôi”, anh H. tâm sự.
Những năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và sự phổ cập internet mạnh mẽ đã biến mạng xã hội, đặc biệt là Facebook trở thành một nền tảng giao tiếp phổ biến và được đông đảo người dân sử dụng. Nhưng ngoài mặt tích cực, việc sống ảo trên mạng xã hội cũng trở thành xu hướng của nhiều người, nhất là giới trẻ; hình thành nhiều thói hư, tật xấu vượt quá giới hạn. Do đó, cần nâng cao định hướng việc ứng xử trên các không gian mạng; cần tuyên truyền, đẩy mạnh phổ biến Luật An ninh mạng để góp phần ngăn ngừa cái xấu, giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực, bạo lực từ không gian mạng.