Thiệt hại nặng nề
Ngày 27-8, bão Pakhar đã quét qua hai đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hồng Công và Macau, sau đó đổ bộ vào thành phố Đài Sơn, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam nước này.
Pakhar là cơn bão thứ 14 vào Trung Quốc trong năm nay, nhiều địa điểm công cộng đã phải tạm đóng cửa từ ngày 26-8. Các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến và Khu tự trị Choang Quảng Tây có mưa lớn, gió mạnh cấp 9. Giới chức tỉnh Hải Nam đã tạm ngưng hoạt động của các tàu, thuyền chở khách. Tổng cộng có 24.124 thuyền đánh cá đã quay về cảng tránh bão.
Khu hành chính đặc biệt Macau cảnh báo bão màu cam, trong khi Hồng Công cũng cân nhắc động thái tương tự. Trước đó, cả hai khu vực trên đều đã ra cảnh báo cấp độ nguy hiểm của bão là cấp 8. Dưới ảnh hưởng của dải mây từ bão Pakhar, sức gió mạnh nhất tại Cheung Chau và Chek Lap Kok lần lượt là 114km/giờ và 76km/giờ.
Trước đó, siêu bão Hato đã khiến 10 người thiệt mạng và hơn 244 người bị thương tại Macau, nhiều khu vực bị mất điện, nước. Nhà chức trách Macau đang phải vật lộn để thu dọn đống rác thải trên đường phố do mưa lũ gây ra.
Gia tăng cường độ
Bên kia bờ Đại Tây Dương, siêu bão Harvey đã hoành hành tại khu vực trung tâm của bang Texas, Tây Nam nước Mỹ khiến ít nhất 2 người chết, hàng chục người bị thương. Đây được coi là cơn bão mạnh nhất ở bang Texas trong hơn 50 năm qua.
Lý giải về hiện tượng bão ngày càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn ở khu vực Đại Tây Dương, các nhà khoa học cho rằng sự ấm lên của đại dương là một trong các tác nhân. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí hậu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) mùa bão, Đại Tây Dương - Thái Bình Dương 2017 có khoảng 11 đến 17 cơn bão trong đó có từ 2 đến 4 siêu bão với sức gió lên tới cấp 12. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) cũng cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ ấm lên, làm gia tăng cường độ các cơn bão vì lượng hơi nước bốc hơi cung cấp cho các cơn bão nhiều hơn.
Giáo sư Kerry Emmanuel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng từng nghiên cứu mối liên hệ giữa sự ấm lên của bề mặt nước biển và cường độ cũng như số lượng các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương và kết luận rằng chúng tỷ lệ thuận với nhau.
Tiến sĩ Phil Klotzbach, nghiên cứu tại dự án Khí tượng học nhiệt đới tại đại học bang Colorado, cho biết thêm vùng Đại Tây Dương thuộc khu vực nhiệt đới ấm hơn mức bình thường mà phía Bắc Đại Tây Dương lại lạnh hơn, tác động tới dao động đa thập kỷ Đại Tây Dương khiến mùa bão mạnh hơn, khó lường hơn. Sự ấm lên của bề mặt nước biển khiến lượng hơi nước bốc hơi vào khí quyển nhiều hơn, giống như việc cung cấp thêm sức tàn phá của các cơn bão.
Ngoài những nhân tố chính trực tiếp tác động tới sự hình thành và gia tăng cường độ của cơn bão nêu trên thì độ ẩm, độ ổn định tổng quát của khí quyển, sự biến động ở Bắc biển Đại Tây Dương... cũng góp phần tác động tới sự hình thành và phát triển bão.