Cuộc họp do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì.
Tội phạm gia tăng, người dân bất an
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Sử Ngọc Anh đánh giá trong 5 tháng đầu năm, lĩnh vực thương mại của TPHCM tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP. Hoạt động thương mại bán lẻ được tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân. Sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, kinh tế TPHCM tăng trưởng tốt. Song vẫn còn một số hạn chế như tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, manh động. Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh khẳng định từ đầu năm đến nay, TPHCM tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự; đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”.
Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, trinh sát, mật phục, đeo bám trên các tuyến trọng điểm kết hợp kiểm tra hành chính các cơ sở, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm. Đồng thời, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chấn chỉnh tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
“Tuy nhiên, tình trạng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, manh động, gây bất an cho người dân”, ông Sử Ngọc Anh nhận xét và đề nghị các cơ quan liên quan cần có giải pháp giải quyết.
Một bất cập khác cũng được nêu ra là sự gia tăng mạnh của người dân nhập cư, gây áp lực lớn đối với TPHCM. Trong 5 tháng đầu năm, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP cơ bản được duy trì ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông quá 30 phút. Tuy vậy, tai nạn giao thông đường bộ (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM, bày tỏ bức xúc trước tình trạng buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè không còn lối đi cho người đi bộ vẫn diễn ra phổ biến.
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết đã đi kiểm tra thực tế, kể cả ban đêm ở những điểm lấn chiếm vỉa hè mà dư luận, báo chí phản ánh. Đó là khu vực ở phường 13 (quận Bình Thạnh); phường 1, 2 (quận Gò Vấp); đường Nguyễn Thị Thập (quận 7)…
Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM đặt nghi vấn tình trạng lấn chiếm vẫn tồn tại có phải là do năng lực yếu kém, không đủ khả năng quản lý hay do có sự bảo kê, dung túng đối với vi phạm hoặc sự buông lỏng địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Tường đề nghị lãnh đạo các địa phương phải thấy rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý.
Cảng biển TPHCM giảm lợi thế
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết do bất cập việc lấy hàng gặp khó khăn nên lợi thế về dịch vụ cảng biển của TPHCM thời gian qua đã giảm dần. Thực tế, một số doanh nghiệp đã chọn cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để xuất nhập khẩu hàng hóa thay vì chọn cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) như trước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung nhiều vào cảng Cát Lái sẽ làm gia tăng nguồn thu cho TPHCM. Song về toàn cục, TPHCM cần chia sẻ với việc các doanh nghiệp chọn cảng Cái Mép làm hàng. Bởi vì cảng Cái Mép được đầu tư thành cảng biển trọng điểm của cả nước nhưng hiện nay chỉ khai thác với công suất khoảng 25%. Cũng vì lẽ đó, TPHCM đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải phân luồng hàng hóa về cảng Cái Mép.
Đề cập đến tổng thu ngân sách Nhà nước của TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng bày tỏ lo lắng khi thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 39.500 tỷ đồng, đạt 36,57% dự toán (bằng 91,43% so cùng kỳ), thu kinh tế chỉ chiếm 38,38% trong khi thực lực kinh tế của TPHCM nằm ở chỗ này. Do đó, nếu các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn phát triển, tăng quy mô hơn thì tình hình thu ngân sách của TPHCM sẽ khả quan hơn.
Giải thích thêm về số thu xuất nhập khẩu giảm gần 6% so với cùng kỳ, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho rằng do Việt Nam phải thực hiện các hiệp ước đa phương, song phương dẫn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Vị này cũng e ngại về khả năng ngành hải quan TPHCM thu đạt chỉ tiêu năm 2018 là thu đạt 108.000 tỷ đồng.
Về hoạt động của các cảng biển, vị này khẳng định, mặc dù doanh nghiệp chọn làm hàng ở cảng Cái Mép nhưng khi làm thủ tục nhập hàng vẫn phải vận chuyển về TPHCM với quãng đường khá dài. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn cảng biển ở TPHCM, đặc biệt là cảng Cát Lái.
Tuy nhiên, trong hoạt động của các cảng biển đang gặp bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, nhiều cảng biển ở TPHCM hiện mới khai thác được 29% công suất, trong khi ở cảng Cát Lái thì quá tải thường xuyên. Điều này dẫn đến tất cả các ngày trong tuần đều xảy ra kẹt xe kéo dài trên các tuyến đường vào cảng Cát Lái. Do đó, TP có sự điều tiết hàng hóa giữa các cảng trên địa bàn nhằm, đảm bảo khai thác hiệu quả các cảng biển của TPHCM.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM, trong 2 tháng đầu năm 2018, TNGT tăng mạnh, đặc biệt là số người chết. Trong tháng 3-2018, TPHCM đã kéo giảm số vụ TNGT, số người chết nhưng tháng 4-2018 lại tăng 34 người chết (tăng hơn 16%). Song tháng 5-2018, TPHCM đã tập trung kéo giảm đáng kể.
“Tính chung 5 tháng đầu năm, số người chết do TNGT tăng 7 người (tăng 2,9%). Điều này nói lên sự quyết tâm kéo giảm số vụ TNGT, số người chết của TPHCM”, ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tường, địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra TNGT là các cửa ngõ. Đặc biệt, huyện Bình Chánh mỗi năm có trên 100 người chết vì TNGT. Do đó, TP cần tập trung hỗ trợ, cùng huyện Bình Chánh cũng như các quận - huyện cửa ngõ của TP kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và bị thương do TNGT.
Dẫn lại các công trình giao thông tại nút giao thông An Sương (quận 12), ông Nguyễn Ngọc Tường khẳng định, dù chỉ mới đưa vào khai thác một nhánh của hầm chui song “điểm đen” về ùn tắc giao thông, TNGT tại đây đã có sự chuyển biến. Vì vậy, ông Tường đề nghị TP cần có sự ưu tiên, tập trung đầu tư để xử lý nhanh, khẩn cấp các điểm đen về tai nạn, ùn tắc giao thông.