Báo in thời sụt giảm
Trong những năm gần đây, số lượng các tờ báo in đóng cửa, phá sản hoặc cắt giảm nhân viên đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt là ở Mỹ (nơi giảm 1/5 phóng viên viết cho báo in kể từ năm 2001). Lịch sử cho thấy, sự xuất hiện của truyền hình vào những năm 1950 cũng từng làm suy giảm của các tờ báo in. Nhưng sự bùng nổ của internet trong những năm 1990 đã tăng phạm vi lựa chọn phương tiện truyền thông có sẵn cho người đọc.
Truyền hình và internet đều mang tin tức đến người đọc nhanh hơn và theo phong cách trực quan hơn báo in, vốn bị hạn chế bởi định dạng vật lý và quy trình in, phát hành. Rupert Murdoch, ông trùm truyền thông đã từng mô tả lợi nhuận từ báo chí là “sông vàng”, nhưng vài năm sau đó nói thêm rằng “đôi khi con sông này cạn kiệt”.
Kể từ đầu năm 2009, Mỹ đã chứng kiến một số lượng lớn các nhật báo lớn tại các đô thị bị thu hẹp vì người đọc giảm mạnh: Rocky Mountain News đóng cửa vào tháng 2-2009; Seattle Post-Intelligencer giảm xuống, chỉ còn xuất bản online; Detroit Free Press và The Detroit News đã cắt giảm giao báo tận nhà còn 3 lần/tuần, trong khi yêu cầu độc giả truy cập vào trang internet của tờ báo vào những ngày khác. Một số tờ báo lớn gặp khó khăn về tài chính đang tìm kiếm cách bán cho chủ khác.
The San Diego Union-Tribune, đã đồng ý bán cho một công ty cổ phần tư nhân với giá bèo, chưa đầy 50 triệu USD (tờ báo này được ước tính trị giá khoảng 1 tỷ USD năm 2004).
Tờ New York Times có giá cổ phiếu xuống dưới 5USD/cổ phiếu, tạm ngưng cổ tức, bán và cho thuê lại một phần trụ sở chính và bán cổ phần ưu đãi cho doanh nhân Mexico Carlos Slim để đổi lấy tiền mặt. Khủng hoảng tiền mặt tại The New York Times đe dọa đóng cửa The Boston Globe.
Vào giữa năm 2013, tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com, đã trả 250 triệu USD cho tờ Washington Post và một số tờ báo nhỏ hơn. Việc mua này đã chấm dứt quyền sở hữu hơn 80 năm hoạt động của gia đình chuyên về xuất bản báo in mang tên Graham. Mới nhất trong tháng 7-2018, tòa soạn tờ The New York Daily News, một tờ báo lớn ở New York từng có lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ, đã quyết định một nửa nhân viên và cả tổng biên tập nghỉ việc. Nguyên nhân không gì khác hơn là lượng độc giả giảm sút mạnh.
Báo cáo năm mới đây của Viện Brookings, cho thấy số lượng người đọc báo in trên 100 triệu dân đã giảm từ 1.200 người (năm 1945) xuống còn 400 (năm 2014). Trong cùng thời gian đó, lượng phát hành bình quân đầu người giảm từ 35% vào giữa những năm 1940 xuống dưới 15%. Số lượng các nhà báo giảm từ 43.000 (năm 1978) xuống 33.000 (năm 2015).
Tại Vương quốc Anh, các nhà xuất bản báo chí cũng không thoát cảnh tương tự. Cuối năm 2008, Independent đã tuyên bố cắt giảm việc làm và trong năm 2016, ấn bản in của Independent đã ngừng hoạt động. Những thách thức ngành công nghiệp báo in phải đối mặt không chỉ giới hạn ở Mỹ, Anh. Báo in ở Thụy Sĩ và Hà Lan đã mất một nửa quảng cáo...
Hiện tượng Ấn Độ
Theo Hiệp hội Xuất bản báo thế giới, trong số 100 tờ báo hàng ngày bán chạy nhất thế giới, 2/3 là ở châu Á, với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ chiếm 60%. Tại Ấn Độ, báo in vẫn phổ biến hơn so với internet và phương tiện truyền thông phát sóng. Theo một báo cáo của Cục Kiểm toán phát hành (ABC) (tháng 5-2017), Ấn Độ đã đi ngược xu hướng toàn cầu trong việc giảm độc giả báo in.
Trang web The Qunit.com dẫn lời Nghị sĩ Ấn Độ Shashi Tharoori: Lượng phát hành báo in ở Ấn Độ đã tăng từ 39,1 triệu bản năm 2006 lên 62,8 triệu bản trong năm 2016 (tăng 60%). Dữ liệu so sánh của năm gần đây nhất cho thấy, trong khi số phát hành báo in tăng 12% ở Ấn Độ, thì lại giảm ở hầu hết thị trường truyền thống lớn khác như: Anh giảm 12%, Mỹ giảm 7%, Đức và Pháp giảm 3%. Nguyên nhân chính là do số lượng người biết đọc tại đất nước 1,2 tỷ người này tăng đều trong 2 thập kỷ qua, thu nhập họ tăng và nhận thức rõ hơn về vai trò của thông tin. Ngoài ra, lý do quan trọng không kém là số người thuộc tầng lớp bình dân của Ấn Độ chiếm khoảng 1/2 dân số, hầu như chưa có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin nên chỉ đọc tin qua báo giấy. Một lợi thế là đa số người đọc báo ở Ấn Độ đều được giao báo tận nhà. Hơn thế nữa, nhiều người đọc ở Ấn Độ cho rằng, thông tin “trên giấy trắng mực đen” đáng tin cậy hơn thông tin trên mạng internet. 50% dân số Ấn Độ là trung niên và lớn tuổi.
Sự tăng trưởng báo in tại Ấn Độ còn bắt nguồn từ hàng trăm ngôn ngữ của nước này. Báo tiếng Hindi (tăng 8,76% lượng phát hành giai đoạn 2006-2016), tiếng Telugu (tăng 8,28%), tiếng Kannada (tăng 6,4%), tiếng Tamil (tăng 5,51%). Điều đáng chú ý hơn là sự gia tăng theo cấp số nhân trong nhu cầu đối với các tờ báo bằng tiếng Hindi. Một báo cáo vào tháng 12-2016 chỉ ra rằng, vào năm 2016, 2 trong 3 tờ báo hàng đầu được lưu hành là Dainik Jagran và Dainik Bhaskar, tiếp theo là cả hai tờ nhật báo tiếng Hindi, tiếp nữa là The Times of India bằng tiếng Anh.
Tăng trưởng về lượng phát hành của các tờ báo bằng tiếng Hindi đi cùng sự gia tăng mức độ đọc viết ở các bang nói tiếng Hindi chủ yếu. Trong khi tỷ lệ biết chữ đã tăng từ 42% lên 74% (năm 1991 - 2011). Các bang như Bihar, Jharkhand, Uttar Pradesh, Uttarakhand, Madhya Pradesh, Chattisgarh, Rajasthan và Odisha là những bang lớn có nhiều người nói tiếng Hindi.
Báo cáo triển vọng đô thị hóa trên thế giới của Liên hiệp quốc (năm 2014) cho biết, tỷ lệ đô thị hóa hàng năm ở Ấn Độ trong giai đoạn 2010 - 2015 là 1,1%, cao nhất trong số các nền kinh tế toàn cầu lớn. Ấn Độ dự kiến sẽ bổ sung hơn 400 triệu người vào dân số đô thị trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2050. Nhiều người ở các thành phố có nghĩa là nhiều độc giả hơn cho báo chí. Ngẫu nhiên, từ năm 2001 - 2011 Ấn Độ tăng trưởng về quy mô dân số đô thị ở mức 91 triệu người - cao hơn dân số nông thôn.