Chiều 2-7, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ vĩ Bắc-113 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sáng 3-7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ vĩ Bắc-110 độ kinh Đông, ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Sáng 4-7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ Bắc-107,1 độ kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp, gây gió mạnh ở vùng ven biển, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ trong ngày 3 và 4-7, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp vào ngày 2-7 để chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới này.
Theo báo cáo, tại các tỉnh, thành phố trong vùng có khả năng ảnh hưởng của bão đã có công điện để ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương tổ chức kiểm đếm, thông báo hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền để chủ động phòng tránh; có 7.886 tàu với 39.738 người đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; 20.755 tàu với 63.529 người neo đậu tại các bến; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh với 4.654 người. Tổng cục Thủy lợi đã rà soát đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi. Tổng cục Phòng chống thiên tai đã kiểm tra đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.
Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, ban chỉ đạo đã có công điện số 05/CĐ-TW yêu cầu ứng phó mưa lớn, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang. Trong đó, yêu cầu tăng cường công tác thông tin tới chính quyền và người dân, nhất là khu vực miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, khu du lịch, biển và hải đảo. Trong ngày 2-7, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển, đê sông tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, thực hiện nghiêm công điện số 05/CĐ-TW, tăng cường công tác trực ban theo dõi diễn biến tình hình để có ứng phó kịp thời; Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo chính xác diễn biến bão và thông tin dự báo cảnh báo tới các địa phương, đối với khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần có các thông tin cảnh báo 72 giờ, 48 giờ, 24 giờ tới cấp huyện; đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền, lồng bè đặc biệt tại khu vực neo đậu, tránh trú an toàn, khu nuôi trồng thủy hải sản, các khu du lịch; Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực hỗ trợ cho ngư dân tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp.
Ngày 2-7, tại các tỉnh miền Trung như từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tiếp tục có “mưa vàng” giải nhiệt. Mưa đã xuất hiện ở nhiều nơi như huyện Quan Hóa, Nông Cống, Ngọc Lặc, Nga Sơn, Như Xuân… (Thanh Hóa); Quỳ Châu, Con Cuông, Nam Đàn, Quỳ Hợp… (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn… (Hà Tĩnh). Mưa giúp người dân giải nhiệt, cứu cây trồng, ngăn chặn và giúp chống cháy rừng.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 2-7 đến các ngày 4 và 5-7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa, mưa rào, nhiều nơi mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Cảnh báo đề phòng ngập úng, ở trung du và vùng núi có lũ quét và sạt lở; trên các sông, suối xảy ra lũ.