Bão hoành hành kinh hoàng, miền Trung ra sức chống chọi
SGGPO
Bão số 10 đã đổ bộ, di chuyển thần tốc, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu ban đầu Báo SGGP ghi nhận được, tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết và bị thương, 260 ngôi nhà tốc mái; Nghệ An phải di dời hơn 14.000 người; Quảng Bình di dời hơn 21.000 người; 4 tàu cá Quảng Ngãi bị chìm...
* Nghệ An: Sơ tán hơn 14.000 người dân ven biển
Sáng nay, 15 xã, phường của 5 huyện, thị xã ở Nghệ An phải di dời, sơ tán 3.183 hộ dân ven biển với 14.428 người đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương, trong trường hợp mưa to kết hợp với triều cường, các địa phương phải kịp thời báo cáo để tiếp tục di dời những hộ dân khác ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng đã được chính quyền địa phương chuẩn bị để người dân có thể sử dụng trong 3 ngày.
Ghi nhận trên đường phố thị xã Cửa Lò lúc 8 giờ sáng nay 15-9-2017. Gió bắt đầu mạnh, mưa to. Ảnh: DUY CƯỜNG
Theo ghi nhận, tại Cửa Hội và Cửa Lò (Nghệ An) gió bắt đầu mạnh lên, sóng lớn, mưa to. Người dân sống dọc ven biển đã được đưa vào sâu bên trong đất liền. Các hàng quán của người dân ven biển cũng đã được chằng chéo, buộc níu cẩn thận.
Sóng biển dâng cao, nước bắt đầu tràn vào các hàng quán của người dân ven biển. Ảnh: DUY CƯỜNG
Tại phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) ngay từ 5 giờ sáng, công tác chuẩn bị để di dời hơn 1.000 dân đã sẵn sàng.
Với sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội, công an, dân phòng… người dân cùng tài sản, đồ đạc thiết yếu đã được đưa đến trụ sở UBND, Trạm Y tế, trường học... để tránh trú.
Từ khoảng 11 giờ trưa nay, dọc tuyến đường ven sông Lam (Nghệ An) cây cối bắt đầu gãy đổ. Tại khu vực Cửa Hội, Cửa Lò, gió rất mạnh, sóng to, bầu trời mù mịt. Toàn bộ khu vực hiện đã mất điện hoàn toàn. Người dân được khuyến cáo và nghiêm cấm ra khỏi nơi trú ẩn, trừ lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.
Bầu trời tại Cửa Hội mịt mù trong gió bão. Ảnh: DUY CƯỜNG
Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò) bắt đầu ngập nước. Ảnh: DUY CƯỜNG
Ông Võ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, hiện người dân của thị xã trong diện phải di dời đang được ở nơi trú ẩn an toàn. Từ 7 giờ 30 đến 9 giờ sáng nay, 1.200 hộ với 4.500 nhân khẩu ở các phường Nghi Thủy, Thu Thủy và Nghi Hải được tiến hành di dời.
Người dân thị xã Cửa Lò được đưa đến nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: DUY CƯỜNG
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết, tại địa phương này sóng đang tràn vào với cột cao 3-4m, nước biển đã tràn qua đê tràn vào nhà dân ven biển.
Đê biển đoạn thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long bị sóng đánh vào dữ dội. Chính quyền xã cùng lực lượng quân đội, công an… đang tích cực dùng các bao tải đất, cát... để che chắn không cho nước biển tràn vào nhà dân. Những hộ dân thuộc diện nguy hiểm đã và đang được di dời.
* Hà Tĩnh: Trường học tốc mái, hàng loạt trụ điện, cây xanh gãy đổ
Từ khoảng 9 giờ 30 phút sáng 15-9, tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trời đổ mưa rất to, gió giật mạnh. Thị xã Kỳ Anh hiện đã mất điện toàn địa bàn, thông tin ban đầu có 1 trường học bị tốc mái...
Dọc hai bên tuyến quốc lộ 1A nhiều cây xanh, trụ điện… đã bị gió bão quật đứt, gãy đổ, bật gốc ngổn ngang.
Nhiều trụ điện ở thị xã Kỳ Anh bị quật gãy đổ trưa 15-9. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Nhiều cột điện bên quốc lộ 1A bị gãy ngổn ngang. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Nhiều cây xanh đã bị quật đổ bật gốc. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Hàng loạt bảng hiệu quảng cáo, mái tôn, mái ngói… của nhà dân dọc hai bên quốc lộ 1A đoạn qua phường Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Phương của thị xã Kỳ Anh cũng đã bị gió giật thổi văng hàng loạt.
Nhiều mái tôn nhà dân ở thị xã Kỳ Anh bị bão quật văng. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Các bảng hiệu bị ngã. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Do gió lớn và mưa rất ro, nhiều phương tiện ô tô tải, container... nặng hàng tấn đang lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thị xã đã phải dừng lại bên đường hoặc tìm các địa điểm an toàn để trú tránh bão.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh cho biết, địa bàn xã Kỳ Nam nằm giáp chân đèo Ngang và giáp biển nên từ sáng 15-9 đến trưa cùng ngày có mưa rất to, gió giật mạnh khiến hàng loạt cây cối, mái ngói nhà dân, biển hiệu quảng cáo, trụ điện… làm gãy đổ hàng loạt. Nhiều hộ dân ở vùng nguy hiểm đã được kịp thời di chuyển đến trụ sở UBND xã, trường học để đảm bảo an toàn.
Từ chiều tối 14-9 đến trưa 15-9, toàn địa bàn xã Kỳ Nam bị mất điện.
Nhiều ki ốt bán hàng dọc quốc lộ 1A bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Theo hệ thống đo gió VTS tại khu vực cảng Sơn Dương Vũng Áng, lúc 10 giờ sáng 15-9, bão số 10 ở Sơn Dương Vũng Áng và khu vực địa bàn thị xã Kỳ Anh đo được đang ở cấp 14, giật trên cấp 15, lượng mưa đo được khoảng 874mm. Theo dự báo, đầu giờ chiều nay, bão sẽ tiếp tục mạnh lên...
Hiện tại mưa đang rất to, gió giật mạnh. Người dân ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh không dám đi ra ngoài đường vì rất nguy hiểm
>> Clip: Ghi lại một số hình ảnh bão đổ bộ vào thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trưa 15-9. Thực hiện: DƯƠNG QUANG
* Quảng Bình: Di tản hơn 21.000 người
Ghi nhận tại Quảng Bình, hiện tại toàn tỉnh đã mất điện, trong khi gió bão đang ngày giật mạnh. Tỉnh đã sơ tán hơn 21.000 người.
>> Video clip mưa bão tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Video clip: MINH PHONG
Phóng viên Báo SGGP có mặt tại cảng Hòn La, xã Quảng Động, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ghi nhận tại đây, đường ra cảng hoàn toàn bị sóng biển phong tỏa. Nước biển dâng cao hơn 2m, nhiều cây xanh gãy đổ.
>> Video clip đường ra cảng Hòn La bị sóng biển phong tỏa. Video clip: MINH PHONG
Còn tại Quốc lộ 1A, lưu lượng xe qua lại vắng hẳn. Các tài xế đã vào trú bão ở những trạm xăng ven đường
>> Video clip đoạn qua Quốc lộ 1A. Video clip: MINH PHONG
Trạm khí tượng thị xã Ba Đồn đo được cấp gió bão đang quét cấp 12 giật trên cấp 12, có lúc giật lên cấp 15. Hiện đã có 1 người tử vong do chằng néo nhà cửa và bị ngã chấn thương ở xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn).
Triều cường ở phường Quảng Phúc thị xã Ba Đồn cũng đang lên nhanh khiến hàng trăm hộ dân bị ngập sâu.
PV Báo SGGP phải vào lánh nạn tại trụ sở UBND thị xã Ba Đồn. Tiếng kính vỡ, mái tốc bị đánh rầm rầm trong khi gió bên ngoài rất lớn. Sức tàn phá của cơn bão được cơ sở báo về lãnh đạo thị xã là rất lớn. Các làng mạc ven sông Gianh triều cường vượt đê vượt báo động 3.
Loạt kính tầng 3 và tầng 4 UBND thị xã Ba Đồn bị bão đánh sập. Ảnh: MINH PHONG
Lúc 11 giờ, mắt bão đi qua thị xã Ba Đồn. Đến 12 giờ đuôi bão quật trở lại toàn bộ Quảng Bình, gió bão giật cấp 13. Thôn Tân Mỹ thuộc thị xã Ba Đồn ngập sâu trong triều cường 2,5m - 3,5m.
Hàng loạt nhà dân bị tốc mái và bị sập. Đồn biên phòng cửa Gianh cũng bị ngập sâu. Nước thượng nguồn cũng bắt đầu dâng
Một phần phường Quảng Phúc bị triều cường. Ảnh: MINH PHONG
Nước sông đang dâng lên cao. Ảnh: MINH PHONG
Bão tàn phá nhà cửa dọc sông Gianh. Ảnh: MINH PHONG
Bão tàn phá nhà cửa dọc sông Gianh. Ảnh: MINH PHONG
Cây xanh ở Ba Đồn gãy đổ. Ảnh: MINH PHONG
Cây xanh tại Quảng Trạch bị gãy đổ. Ảnh: MINH PHONG
Cột điện ở thị xã Ba Đồn bị bão quật gãy hàng loạt. Ảnh: MINH PHONG
Nhà dân bị tốc mái trong bão. Ảnh: MINH PHONG
Bà con lợp lại mái nhà ngay trong bão. Ảnh: MINH PHONG
Nhà ông Nguyễn Tân Đinh ở thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, Ba Đồn bị sập. Ảnh: MINH PHONG
>> Một số hình ảnh PV Báo SGGP gửi về từ tâm bão:
Đường ở thị xã Ba Đồn vắng người, mưa lớn cây gãy. Ảnh: MINH PHONG
Tại khu vực Quảng Đông dưới Đèo Ngang, gió giật mạnh bảng quảng cáo mái ngói nhà dân bị quật bay. Ảnh: MINH PHONG
Biển báo giao thông, cây canh ngã đổ bên quốc lộ 1 tại Quảng Trạch. Ảnh: MINH PHONG
Cây xanh gãy đổ đường vào thôn Thanh Bình xã Quảng Xuân, Quảng Trạch. Ảnh: MINH PHONG
Nước biển dâng cao ở xã Quảng Xuân, Quảng Trạch. Ảnh: MINH PHONG
Mưa bão ở huyện Quảng Trạch. Ảnh: MINH PHONG
Đường ra mũi Ông ở Hòn La bị sóng biển phong tỏa. Ảnh: MINH PHONG
* Thừa Thiên - Huế: 2 người chết và bị thương, 260 ngôi nhà tốc mái
Sáng 15-9, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, từ rạng sáng 15-9, tại các huyện, thị ven biển trên địa bàn đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7 và giật cấp 9 kèm theo những đợt mưa lớn.
Trước đó, chiều và khuya 14-9, lốc xoáy đã làm 260 căn nhà tại thị xã Hương Thủy, TP Huế và huyện Phong Điền bị tốc mái. Ông Ngô Văn Hiền ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền bị nước cuốn trôi khi đi qua sông Ô Lâu, một cháu bé ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền bị thương.
Nhiều tuyến đường tại TP Huế và các huyện thị bị ngập sâu và cây xanh hai bên đường bị đổ ngã. Sạt lở bờ biển ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang dài khoảng 700m, sâu từ 5-10m…
Trước diễn biến phức tạp bão số 10, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 100% lực lượng, phương tiện phối hợp các đơn vị khẩn trương ứng phó với mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ, mưa to gió lớn làm nhiều nhà bị tốc mái, cây xanh, biển quảng cáo, dây điện… bị đổ ngã gây ùn tắc giao thông và nguy hiểm người dân trong đêm 14 rạng sáng 15-9.
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả. Ảnh: VĂN THẮNG
Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an thị xã Hương Thuỷ phối hợp các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục hậu quả. Các đơn vị đã triển khai lực lượng thu dọn các biển quảng cáo, cưa cây xanh đổ ngã, chằng chống lại dây điện bị đứt do ảnh hưởng của mưa bão... Đồng thời, tổ chức điều hoà giao thông, tránh ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo thông suốt trên tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam.
Hiện Ban giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo công an các đơn vị về vùng xung yếu, để kịp thời ứng phó các tình huống khẩn cấp, nhất là giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời người và tài sản từ vùng thấp lên vùng cao. Tuyên truyền, nhân dân neo đậu tàu thuyền nơi an toàn….
* Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đảm bảo giao thông QL 1 thông suốt. Video Clip: VĂN THẮNG
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nỗ lực giải phóng cây cối đổ gãy và các vật dụng văng ra QL 1 sau trận lốc xoáy khuya 14-9. Đồng thời phân luồng, giúp giao thông trên QL 1 được thông suốt.
>> Một số hình ảnh khắc phục hậu quả lốc xoáy tại Thừa Thiên - Huế trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền:
Người dân gia cố mái nhà. Ảnh: VĂN THẮNG
Người dân gia cố mái nhà. Ảnh: VĂN THẮNG
Nhiều cây xanh ngã đổ bên đường. Ảnh: VĂN THẮNG
Người dân khắc phục hậu quả. Ảnh: VĂN THẮNG
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả. Ảnh: VĂN THẮNG
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả. Ảnh: VĂN THẮNG
* Quảng Ngãi: Sóng lớn, 4 tàu cá chìm
Sáng ngày 15-9, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Ngãi thông tin, vẫn còn 464 tàu cùng 5.443 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên các vùng biển và có 4 tàu, thuyền bị chìm do sóng lớn không thể lai dắt.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện còn 464 tàu/5.443 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó vùng biển Trường Sa còn 244 tàu/3.805 lao động. Đến thời điểm 6 giờ 20 phút ngày 15-9, tất cả các tàu, thuyền ở khu vực ảnh hưởng bão số 10 đã di chuyển tránh trú, bão. Tính đến sáng 15-9, đã có 4 trường hợp tàu bị chìm.
Vẫn còn 464 tàu thuyền Quảng Ngãi ngoài biển. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Trường hợp 1, thuyền bị chìm gồm 2 tàu QNg 94628 TS của ông Phan Minh Tân (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và tàu QNg 98687 TS của ông Phan Văn Tiến. Cụ thể, tàu ông Tân hỏng máy, bị chìm, gặp tàu QNg 94628 cứu vớt. Tuy nhiên, nhưng vì sóng to, không thể lai dắt nên thuyền trưởng đã yêu cầu phát tín hiệu cấp cứu.
Đến 20 giờ ngày 14-9, tàu KN 360- Vùng 3 Hải quân đã hỗ trợ đưa 9 ngư dân trên 2 tàu cá này về. Lúc này, xác định biển động, gió lớn, không thể tiếp tục lai dắt, cả 2 thuyền trưởng chủ động cắt dây, bỏ 2 con tàu chìm ở lại khơi, để tàu KN 360 có thể đưa 9 ngư dân vào bờ nhanh chóng.
Trường hợp 2, tàu QNg 44011 TS có 3 ngư dân của ông Nguyễn Hoài Thanh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) bị phá nước, phát tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên lúc 16 giờ 35 ngày 14-9, tàu KN 360 tiếp cận nhưng không thể lai dắt, ngư dân đồng ý rời sang tàu KN 360 và bỏ lại con tàu chìm dần.
Trường hợp 3, tàu QNg 94094 có 2 ngư dân do ông Trương Hoàng Giang, làm chủ kiêm thuyền trưởng, bị sóng lớn đánh chìm tàu. Rất may, 2 thuyền viên đi cùng được cứu vớt, cập cảng Sa Kỳ vào tối ngày 14-9.
Thanh Hóa: Bão gây ngập tuyến đường thành phố biển
Trong ngày 15-9, do ảnh hưởng của bão số 10, tại tỉnh Thanh Hóa tình trạng mưa kèm gió lớn xảy ra trên diện rộng, nhất là tại các huyện ven biển. Tại TP Sầm Sơn, ở các khu vực bãi tắm nước biển dâng cao tràn lên đường Hồ Xuân Hương và một số tuyến đường khác.
Đường Hồ Xuân Hương ngập rác sau bão. Ảnh: PHONG HẢI
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, tại những điểm có bờ kè như khu vực du lịch FLC hay Vạn Chài, sóng đập vào bờ rất mạnh, có những con sóng đánh vào bờ khiến nước bắn lên cao hàng chục mét; còn tại các khu vực bãi tắm không có đê kè, sóng biển tràn lên đường và tràn vào nhà các hộ dân ở đường Hồ Xuân Hương. Do nước dâng cao, khiến con đường Hồ Xuân Hương có lúc biến thành sông, nơi nào nước rút thì để lại vô số là rác thải từ biển đưa vào.
Đường biến thành sông sau bão ở TP Thanh Hóa. Ảnh: PHONG HẢI
Trước tình hình đó, cấp ủy – chính quyền TP Sầm Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức dọn rác bị tràn lên đường và di dời người dân tại khu vực phía tây đường Hồ Xuân Hương đến nơi an toàn. Theo đánh giá của nhiều người, đây là hiện tượng bất thường vì Thanh Hóa chỉ là địa phương bị ảnh hưởng của bão, gió giật nhẹ, nhưng nước biển đã dâng cao như vậy là hiện tượng ít gặp tại TP biển xinh đẹp này.
Đà Nẵng cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học chiều 15-9
Sáng nay 15-9, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, Sở GD-ĐT đã có thông báo gửi tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đà Nẵng cho học sinh, sinh viên được nghỉ học trong chiều 15-9 để đảm bảo an toàn trong mưa bão.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho toàn thể phụ huynh, học sinh, sinh viên về thông tin nghỉ học trong chiều 15-9, nhất là học sinh khối buổi chiều ở các trường học 1 buổi/ngày.
Đối với các trường bán trú, nhà trường giao học sinh cho phụ huynh sau buổi học sáng nay 15-9, một cách an toàn, chu đáo.
Trong lúc mưa bão, cần lưu ý phụ huynh, học sinh, sinh viên thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông khi đưa đón con em trước cổng trường, trên đường về, nhất là hững đoạn đường đông phương tiện giao thông, ngập nước, có công trình, cầu cống không an toàn.
Đối với các trường có học vào ngày thứ bảy 16-9 thì đi học lại bình thường. Trong trường hợp diễn biến bão số 10 còn phức tạp, ảnh hưởng đến Đà Nẵng thì Sở GD-ĐT sẽ có thông báo tiếp theo.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các trường nhắn tin, điện thoại, phát qua loa phóng thanh,...để phụ huynh, học sinh nắm được thông báo nghỉ học.