Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc liên quan đến pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp lý về ngành công nghiệp sáng tạo, cách sử dụng phần mềm hợp pháp, đăng ký sở hữu trí tuệ…
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) nhấn mạnh, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố cốt lõi, công cụ hữu hiệu nhằm khuyến khích sáng tạo, làm phong phú và truyền bá, phổ biến các tài sản trí tuệ, tài sản văn hóa của quốc gia và nhân loại.
"Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của môi trường số, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của người dân còn chưa cao… cũng đặt ra những thách thức, khó khăn rất lớn trong việc bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nhất là việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng và khó để xác định các đối tượng để xử lý", bà Phạm Thị Kim Oanh, chia sẻ.
Còn theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chia sẻ, quyền sở hữu trí tuệ chính là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ các sáng chế, sáng tạo về công nghệ, giúp xúc tiến chuyển giao công nghệ hiệu quả. Vì vậy, quyền sở hữu trí tuệ cần được tuyên truyền và nhận thức đầy đủ hơn tại các viện nghiên cứu, trường học...
Theo bảng xếp hạng chỉ số đổi mới toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2022, thì Việt Nam hiện đang được đánh giá là quốc gia có năng lực đổi mới sáng tạo và đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Hiện nay, Việt Nam không còn là nước chủ yếu quan tâm đến khai thác tài sản trí tuệ mà còn là một trong những nước tạo ra tài sản trí tuệ, các ngành công nghiệp sáng tạo là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và lớn nhất.