Phiền hà với thẻ BHYT giấy
Mất gần 1 giờ chờ đợi tới lượt khám bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn, nhưng bà Nguyễn Thị Minh (60 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) khi làm thủ tục nhập viện vẫn phải xuất trình thêm chứng minh nhân dân dù đã có giấy BHYT, khiến bà Minh cảm thấy rất phiền hà.
“Giấy BHYT của tôi có mã vạch nhưng chưa có ảnh nên mỗi khi đến khám bệnh, tôi phải trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ khác kèm với thẻ BHYT để làm thủ tục nên khá bất tiện, nhất là những lúc chẳng may quên chứng minh nhân dân...”, bà Minh bày tỏ.
Không chỉ người dân gặp những rắc rối khi sử dụng thẻ BHYT giấy, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng gặp những khó khăn, tốn kém nhất định đối với việc in mới, gia hạn thẻ BHYT hàng năm. Thống kê của BHXH Hà Nội, trung bình mỗi năm, cơ quan này phải cấp lại khoảng 300.000 thẻ BHYT mới do mất thẻ, đổi thẻ, gây tốn kém về chi phí mực in, phôi thẻ và mất nhiều thời gian cho cán bộ thực hiện.
Cùng với đó, việc in gia hạn thẻ nhiều lần trong năm (hàng quý, 6 tháng, mỗi năm) đối với trường hợp giá trị thẻ theo mệnh giá cơ quan, đơn vị đóng tiền cũng làm mất nhiều thời gian, chi phí và áp lực công việc.
Hoàn tất các công đoạn cho thẻ BHYT điện tử
BHXH Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để từ ngày 1-1-2020 sẽ thực hiện việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Ông Võ Khánh Bình, Trưởng ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam, cho biết đến nay các khâu chuẩn bị về mặt kỹ thuật, công nghệ phục vụ việc triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cơ bản hoàn tất. Thẻ BHYT điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt như thẻ ATM; trong đó tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản, quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT.
Người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện dấu vân tay. Dữ liệu chi tiết của thẻ BHYT điện tử đối với người tham gia BHXH, BHYT sẽ được lưu giữ tại Trung tâm Dữ liệu của ngành BHXH. Các dữ liệu này được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ về BHXH.
Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, việc ứng dụng thẻ BHYT điện tử nhằm hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Khi chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan.
Trong đó, đối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ BHYT giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Khi có thẻ BHYT điện tử, người dân đi khám chữa bệnh không cần mang các giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt... giúp thuận tiện và giảm phiền hà. Toàn bộ lịch sử bệnh tật của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ nên thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh.
Đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ BHYT điện tử giúp xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, bảo đảm nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh.
Thẻ BHYT điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần khám chữa bệnh gần nhất để tránh việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.
Cả nước hiện có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 89,6%. Mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT. |