Lựa chọn duy nhất là phải mua bảo hiểm
Trong thời gian qua, tình hình cháy nổ xảy ra tại các chung cư, khu dân cư có chiều hướng gia tăng. Đối với chung cư, nhà cao tầng, khi bị hỏa hoạn thì rất khó dập lửa và hậu quả để lại thường rất nặng nề. Đã có vụ cháy thiêu rụi cả khu nhà cao tầng, làm nhiều người thiệt mạng.
Từ 12 năm trước, Chính phủ đã có Nghị định 130/2006 quy định chủ sở hữu chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung. Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ và công khai mức thu, thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Song, thực tế có rất nhiều chủ đầu tư và người mua chung cư chưa mua bảo hiểm.
Chung cư mới xây dựng có hệ thống phòng cháy đạt tiêu chuẩn sẽ thuận lợi trong việc ký hợp đồng mua bảo hiểm cháy nổ
Nay Nghị định 23/2018 của Chính phủ thay thế các quy định cũ, một lần nữa quy định về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư.
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), cư dân ở chung cư cần phải biết quy định trên, vì chủ đầu tư chung cư và cư dân không có quyền tùy ý lựa chọn mua bảo hiểm cháy nổ chung cư hay không, mà chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải mua bảo hiểm. Những trường hợp không mua bảo hiểm cháy nổ sẽ bị chế tài, xử phạt nghiêm. Chính vì thế, chủ đầu tư chung cư và các chủ căn hộ phải tìm hiểu, nắm vững quy định pháp luật. Mỗi khi người dân có đủ kiến thức pháp luật sẽ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và không bị thua thiệt khi ký hợp đồng với công ty bảo hiểm.
Cần hướng dẫn cụ thể
Chỉ còn đúng 1 tháng nữa thực thi việc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong khi khối lượng công việc quá nhiều. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên địa bàn TPHCM hiện có trên 1.000 khu chung cư, với trên 90.000 căn hộ. Trong số đó có 533 chung cư xây dựng trước năm 1975, với 3.387 căn hộ, số còn lại là chung cư xây dựng sau năm 1975. Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng cao ốc chung cư tăng rất nhanh, mỗi năm có thêm hàng ngàn căn hộ mới. Mỗi loại chung cư có chất lượng và cung cách quản lý, sở hữu khác nhau, nên việc ký hợp đồng bảo hiểm không dễ dàng.
Cháy nổ luôn là nỗi lo thường trực của cư dân sống trong các chung cư cao tầng. Mọi người đều mong muốn có cuộc sống an toàn và giảm bớt thiệt hại nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Mua bảo hiểm cháy nổ là cách chia sẻ rủi ro, song chưa dễ thực hiện. Ông Nguyễn Đình Vi Khải (Ban quản trị chung cư Đất Xanh, ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức) băn khoăn: “Quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ chung cư, nhưng nay vẫn chưa rõ việc đối tượng nào đứng ra ký hợp đồng đóng tiền cho công ty bảo hiểm? Hợp đồng bảo hiểm cho từng căn hộ hay cả chung cư? Nếu chủ căn hộ mua bảo hiểm cho riêng mình, thì phần công trình chung sẽ giải quyết như thế nào?”.
Các cư dân ở chung cư Hồng Lĩnh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đang lo ngại vì không mua bảo hiểm cháy nổ chung cư sẽ bị phạt, mà mua cũng không được. Các hộ ở đây đã mua căn hộ, sinh sống ổn định gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ. Nguyên nhân do có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về nhiều hạng mục công trình, nay vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, không chỉ cư dân mà chủ đầu tư cũng chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bảo hiểm cháy nổ chung cư. Để cư dân mua bảo hiểm cháy nổ, điều tối thiểu là họ phải có giấy tờ nhà.
Đối với hàng ngàn hộ sống trong các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, việc thực thi bảo hiểm cháy nổ chung cư không đơn giản. Có một thực tế, các chung cư này đã quá cũ, hệ thống phòng cháy chữa cháy dù được nâng cấp cũng khó đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành. Theo Nghị định 23/2018, công ty bảo hiểm có quyền từ chối ký hợp đồng khi hệ thống phòng cháy của chung cư không đủ điều kiện, không có nghiệm thu.
Như vậy, cư dân muốn mua bảo hiểm cháy nổ chung cư phải đóng tiền đầu tư, nâng cấp hệ thống phòng cháy, mà điều này thì rất khó thực hiện. Để các chung cư cũ được mua bảo hiểm cháy nổ, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ và tháo gỡ của các cơ quan chức năng liên quan.