Đậm chất đời
Đang lên sóng lúc 22 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên HTV9, phim truyền hình Sống gượng (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Lê Tuyết. Đây là câu chuyện có thật dựa trên cuộc đời thấm đẫm nước mắt và đớn đau của bà.
Nhà văn Lê Tuyết tâm sự, tác phẩm được bà viết trong 8 tháng. Theo biên kịch Hạnh Ngộ, chị có cơ duyên đọc từ bản thảo đầu tiên của tác phẩm này, với tên gọi Có một cuộc đời như thế. Khi mang về nhà đọc, chị đau đáu bởi câu chuyện đầy ám ảnh và quyết tâm chuyển thể thành phim. Sống gượng đã chọn phản ánh một cách trực diện và đấu tranh quyết liệt với vấn nạn bạo hành gia đình.
Bán chồng, bộ phim đang lên sóng trên VTV3 cũng miêu tả thân phận của những người phụ nữ miền Tây sông nước, phải chịu những giày vò, đau đớn cả về thể xác và tâm hồn.
Có thể thấy, thời gian qua, trên màn ảnh nhỏ, các bộ phim tâm lý xã hội đã phản ánh, đề cập khá đa chiều hoặc gián tiếp, trực tiếp câu chuyện về bạo lực gia đình. Gần đây nhất, trong Về nhà đi con, câu chuyện bạo hành cũng được thể hiện rất chân thực, sâu sắc. Những người phụ nữ trong phim như Thu Huệ, Anh Thư… đều chịu những giày vò cả về thể xác và tinh thần.
Trước đó, Sống chung với mẹ chồng gây sốt trên màn ảnh nhỏ bởi câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu, xung đột của những đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Trong Lặng yên dưới vực sâu, nhân vật nữ chính không chỉ bị chồng đánh, chửi mà còn bị bạo hành tình dục. Nàng dâu order ngoài mâu thuẫn vợ chồng, còn có áp lực từ bà nội chồng. Nhiều phim truyền hình: Đánh cắp giấc mơ, Nếu còn có ngày mai, Cung đường tội lỗi, Đi qua mùa hạ, Cả một đời ân oán, Người phán xử, Vừa đi vừa khóc… có rất nhiều khía cạnh khác nhau của câu chuyện bạo hành gia đình đều được thể hiện.
Khốc liệt nhưng nhân văn
Có một điểm chung hiện nay, dù phản ánh trực tiếp hay chỉ đề cập đến khía cạnh nhỏ trong câu chuyện bạo lực gia đình, các bộ phim đều tạo ra và đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm. Chắc hẳn khán giả không quên cảm giác đau đớn của Anh Thư (Về nhà đi con), Lam Lam (Nàng dâu order) chứng kiến chồng ngoại tình nhưng khi về nhà vẫn bị mắng chửi thậm tệ. Vân (Sống chung với mẹ chồng) từng bị chồng đánh đến chảy máu miệng. Với Ngọc (Sống gượng) là những trận đòn roi như cơm bữa, ngay cả khi cô mang thai, có con nhỏ…
Theo một số biên kịch, việc đẩy tình tiết phim lên đỉnh điểm không phải là sự bi kịch hóa. Một mặt, nó tạo kịch tính thu hút người xem nhưng quan trọng hơn, từ trong tận cùng của bi kịch ấy cũng mở đường để các nhân vật có quyền chọn lựa hướng đi nào thay đổi chính cuộc đời mình. Đó chính là thông điệp xã hội và tinh thần nhân văn mà các bộ phim muốn hướng đến.
Dù lấy chất liệu từ cuộc sống, dù số phận của những nhân vật bị bạo hành đến gần như chết đi sống lại, nhưng rõ ràng các bộ phim đều cố gắng tạo ra kết thúc có hậu. Đại diện ê kíp đoàn phim Sống gượng cho biết, họ chỉ lấy 2/3 câu chuyện từ nhân vật, còn lại được hư cấu, thêm bớt các chi tiết cho phù hợp và nhân văn. Những Thu Huệ, Anh Thư (Về nhà đi con); Vân (Sống chung với mẹ chồng); Dung, Diệu (Cả một đời ân oán), Lam Lam (Nàng dâu order)… đều tìm được cho mình hạnh phúc viên mãn. Họ đã không chấp nhận cuộc sống ngột ngạt mà luôn vươn lên để bảo vệ, giải thoát chính mình, khẳng định giá trị bản thân.
Có một thông điệp ý nghĩa từ bộ phim Sống gượng rất đáng để suy ngẫm: “Ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự cam chịu, nhẫn nhịn không đem lại kết quả”. Đó cũng là tinh thần nhân văn mà hầu hết các bộ phim phản ánh câu chuyện bạo hành trong gia đình muốn truyền tải.