Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý 1-2018 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Và mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho cả năm 2018 đạt 34 - 34,5 tỷ USD.
Tuy con số khá ấn tượng, nhưng nhìn lại chất lượng kim ngạch thì đáng lo. Bởi phần lớn hàng xuất khẩu là hàng gia công. Mà khi gia công thì chúng ta chỉ hưởng được lợi từ việc bán sức lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, còn giá trị gia tăng lớn nhất của hàng hóa đó là thương hiệu, thị trường… thì chúng ta không được hưởng.
Mặc dù, theo đánh giá về những lợi thế và khó khăn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì Việt Nam có nhiều lợi thế. Chẳng hạn Việt Nam có tốc độ hội nhập nhanh, tham gia và hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực và trên thế giới; có nhiều thị trường mới, rộng lớn… Rồi việc tham gia các hiệp định thương mại đã đưa hầu hết dòng thuế của sản phẩm dệt may giảm dần về 0%.
Thế nhưng, những ưu đãi đó đã được chia sẻ khi thị trường dệt may trong nước bị nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào, làm thay đổi cơ cấu và diện mạo của ngành. Điều đó tạo cho ngành dệt may Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn về sức cạnh tranh. Hoạt động may xuất khẩu chủ yếu chỉ làm theo hình thức gia công; thiếu nhân lực chất lượng cao cho khâu dệt nhuộm, thiết kế; năng suất lao động thấp…
Ở kim ngạch nhập khẩu cũng đáng lo ngại khi đến 80% nguyên phụ liệu dệt may được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam tham gia FTA thì phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nguyên phụ liêu mới được ưu đãi thuế. Nhưng với nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu lớn thì đây là thách thức khiến ngành dệt may Việt Nam khó được hưởng những ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Do vậy, đã đến lúc ngành dệt may cần tập trung đầu tư để tái cơ cấu trong nội bộ, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Trước hết phải đầu tư, đổi mới công nghệ các khâu từ sợi, dệt, nhuộm đến may mặc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đẳng cấp sản phẩm. Tiếp đến, các doanh nghiệp cần đề ra chiến lược để từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; chủ động về nguyên liệu may xuất khẩu; chuyển từ phương thức gia công sang tự chủ nguyên liệu và tự thiết kế, sản xuất và chủ động thị trường.