Thị trường bất động sản thành phố Cần Thơ

Bao giờ “tan băng” ?

Bao giờ “tan băng” ?

Thị trường bất động sản (BĐS) ở TP Cần Thơ  đã trầm lắng thời gian dài và dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới. Các chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa vì không huy động được vốn!

  • Giá đất vượt ngưỡng sức mua
Bao giờ “tan băng” ? ảnh 1

Hiện nay, trên các tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều có nhiều người treo bảng rao sang nhượng nhà, đất nhưng rất ít giao dịch thành. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm giao dịch địa ốc của Ngân hàng Á Châu-chi nhánh Cần Thơ và các công ty kinh doanh BĐS, việc mua bán nhà đất giảm mạnh. Giá đất ở các dự án Khu đô thị Nam Cần Thơ sau một thời gian đứng ở mức cao nay giảm từ 20% đến 30%, chỉ còn từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất ít nguời tìm mua.

Theo nhận định của các chuyên gia địa ốc, nhu cầu nhà ở là rất lớn nhưng ít người mua là do các nguyên nhân sau. Đối với đất dự án kinh doanh nhà ở đang triển khai, giá khá cao so với thu nhập của đối tượng có nhu cầu thật về nhà ở. Nếu mua đất bên ngoài sẽ tìm ẩn nhiều rủi ro do giá giao dịch trên thị trường BĐS cao hơn so với bảng giá đất của thành phố ban hành. Vì vậy, nhiều người sợ lỡ mua “trúng” đất nằm trong khu quy hoạch sẽ bị thiệt khi bồi thường; nếu mua đất không nằm trong khu quy hoạch cũng thấp thỏm, sợ sau này sẽ “dính” quy hoạch. Thêm vào đó, gần đây giá vàng tăng cao nên thị trường BĐS càng ảm đạm hơn.

  • Kích cầu theo hướng nào?

Sau khi thực hiện Nghị định 181, thị trường BĐS thành phố Cần Thơ đã dần ổn định, bước đầu kéo giá trở về giá thật, không còn cảnh sốt giá do đầu cơ. Tuy nhiên hàng loạt vấn đề nảy sinh đã khiến cho các doanh nghiệp xây dựng kinh doanh nhà ở hết sức khó khăn. Việc quy định không được phân lô bán nền đã khiến nhiều doanh nghiệp không đủ vốn xây dựng nhà để bán.

Một số doanh nghiệp đã triển khai dự án trước khi Nghị định 181 có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng do chưa thương lượng được với người dân phần diện tích còn lại. Một số dự án đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng, có sổ đỏ nhưng khách hàng không đến thanh lý hợp đồng để nhận đất vì chưa có nhu cầu về nhà ở. Người có nhu cầu thật cũng chưa thể ở được do cơ sở hạ tầng Khu đô thị Nam Cần Thơ không đồng bộ.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên- Môi trường thành phố Cần Thơ, hiện có khoảng 39 dự án các khu dân cư- thương mại thuận chủ trương quy hoạch. Các doanh nghiệp đang thương lượng bồi hoàn, giải phóng mặt bằng với các hộ dân nhưng vẫn chưa tìm được lối ra do thiếu vốn, chưa có cơ chế chính sách về phương án bồi hoàn thống nhất. Khoảng 10 doanh nghiệp được giao đất đã quá hạn một năm và quá thời hạn gia hạn thêm nhưng vẫn chưa thực hiện.

Mặt khác, gần đây các ngân hàng thận trọng trong việc cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào BĐS nên việc huy động vốn rất khó khăn. Ông Mạc Lục Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Kinh doanh, Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL, Chi nhánh Cần Thơ cho biết: Hiện nay cho vay đầu tư vào BĐS ở Cần Thơ độ an toàn không cao nên phần lớn các ngân hàng e ngại. Ngân hàng đánh giá dự án nào hiệu quả mới cho vay, nhưng tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án. Thông thường điều kiện để xem xét cho vay là dự án phải hoàn tất việc giải phóng mặt bằng nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu này.
  
Để kích cầu thị trường BĐS, theo ông Mạc Lục Thanh, thành phố Cần Thơ cần giảm nguồn cung BĐS (thu hồi các dự án chậm, không triển khai thực hiện và đấu giá quyền sử dụng đất) và kéo giá về với giá trị thật. Bên cạnh đó, cần đơn giản các thủ tục nhà đất để người dân dễ tiếp cận hơn với bất động sản. Ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Thịnh kiến nghị: “Thành phố Cần Thơ phải có giải pháp đột phá về vấn đề giải phóng mặt bằng đối với các dự án khu dân cư trên địa bàn; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp có khả năng đầu tư các khu dân cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”.

Tin cùng chuyên mục