Bao giờ khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Tân Phú - Bảo Lộc?

Tỉnh Lâm Đồng nỗ lực khởi công các dự án cao tốc trên địa bàn sớm hơn dự kiến.

Chiều 8-5, ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ ngày 15-5, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức cắm mốc toàn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (đoạn qua Lâm Đồng), Bảo Lộc - Liên Khương.

Ông Ngô Văn Ninh cho biết thêm, địa phương đang cố gắng hoàn tất các thủ tục để khởi công vào ngày 2-9-2023.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có khoảng 19,2km đường cao tốc nối từ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đi TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có khoảng 19,2km đường cao tốc nối từ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đi TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trước đó, tỉnh Lâm Đồng dự kiến khởi công các tuyến cao tốc này trong quý IV-2023, đến năm 2026 hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2027.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến Tân Phú - Bảo Lộc, đề xuất Chính phủ một số liên quan dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài khoảng 66km, trong đó trên địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc), với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó năm 2023 được bố trí khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài khoảng 74km nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng, trong năm 2023 dự án được bố trí 506 tỷ đồng, dự kiến khởi công cùng dự án Tân Phú - Bảo Lộc.

Trước đó, tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch bán đấu giá nhiều khu “đất vàng” của TP Đà Lạt. Việc bán đấu giá các khu đất này sẽ thu về cho địa phương hơn 3.110 tỷ đồng để tạo vốn đầu tư các dự án cao tốc như Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng các tuyến cao tốc mới sẽ tạo được động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung thông qua kết nối thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục