Điểm thi lớp 10 năm học 2018-2019 đã được nhiều tỉnh, thành công bố. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 một tuần nữa sẽ công bố kết quả thi. Hai kỳ thi “vượt vũ môn” được xem là tiêu tốn nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và nước mắt của hàng vạn gia đình. Mặc dù năm nào Bộ GD-ĐT cũng khẳng định đổi mới thi cử, giảm áp lực cho thí sinh nhưng mỗi năm đến hẹn lại lên, những chủ đề như thí sinh khóc với đề Toán khó, giáo viên tranh cãi xung quanh những câu hỏi phân hóa trong đề thi lại “nóng” ở các diễn đàn, mạng xã hội.
Đã có rất nhiều bài viết phân tích về độ phập phù của độ khó đề thi qua các năm. Trong đó, nhiều giáo viên không ngần ngại tuyên bố “giáo viên giải đề này trong 120 phút còn khó huống gì học sinh chỉ có 90 phút làm bài”, hoặc “cài bài toán tự luận vào đề thi trắc nghiệm là một cách cố tình đánh đố thí sinh”. Để rồi khi những nhận xét, đánh giá qua đi, người dạy và người học (của năm học tiếp theo) lại lao vào cuộc đua luyện giải đề, mẹo giải toán nhanh thay vì mài giũa trọng tâm kiến thức. Có thể dễ dàng nhìn thấy cả xã hội đang bị kéo vào guồng quay “thi gì học đó” chứ không phải định hướng học gì thi đó như tuyên bố ban đầu của các nhà quản lý.
Nhận xét về điểm thi tuyển sinh lớp 10, phó giám đốc Sở GD-ĐT một thành phố lớn thừa nhận đang có sự chênh lệch lớn giữa phổ điểm thi của học sinh các trường ở khu vực nội thành và các trường ở huyện ngoại thành. Điều này xuất phát từ thực tế giáo viên ở các huyện ngoại thành chậm tiếp cận với các chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học của ngành. Biện pháp giải quyết là trong năm học tới, sở này sẽ tập trung bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên ở các huyện ngoại thành để nâng cao chất lượng giảng dạy của khu vực này, tiệm cận dần mục tiêu đổi mới giáo dục của toàn TP. Song, câu hỏi được đặt ra là vì sao khoản chênh này không được cơ quan quản lý nhận thức sớm hơn? Vì sao phải “trả giá” bằng hàng ngàn bài thi bị điểm thấp, kéo theo quyền lợi được học tập, tương lai của hàng ngàn học sinh ở khu vực ngoại thành thì những người quản lý mới nhận ra thiếu sót của mình trong thực hiện đổi mới? Nền giáo dục có còn giữ được tính ổn định, công bằng khi mỗi năm kỳ thi tuyển sinh lại “tích hợp” thêm một chút đổi mới, khiến việc dạy và học thay đổi liên tục, ai không đủ sức bền, sự khôn khéo, hoặc thậm chí chỉ là may mắn sẽ đuối sức giữa dòng xoáy đổi mới?
Thử nhìn lại mục đích thi cử của nước ta. Sàng lọc và phân hóa học sinh sau mỗi cấp học là cần thiết. Nhưng cách chúng ta đang tổ chức thi cử quá ôm đồm, thậm chí là “lạc lối” trong chính những chủ trương, định hướng do mình đặt ra khiến xã hội không thể không lo ngại. Từ việc yêu cầu một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 phải mất khá nhiều thời gian đọc một đề toán dài kín 2 trang giấy, trong đó có đến 6/8 câu hỏi của đề thi yêu cầu thêm các câu hỏi phụ a, b, c đến việc cài các câu hỏi tự luận (vốn có yêu cầu phức tạp hơn về trình tự các bước giải tìm ra đáp án) vào đề thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia cho thấy sự lúng túng trong định hướng ra đề thi theo hướng đổi mới của những người ra đề.
Thêm vào đó, quy định buộc thí sinh phải hoàn thành liên tiếp 3 bài thi trắc nghiệm của 3 môn thi trong một tổ hợp dự thi một lần nữa chứng tỏ sự loay hoay của cơ quan quản lý trong triển khai dạy và học tích hợp. Có giáo viên từng nói vui rằng, trong khi Bộ GD-ĐT còn đang ngổn ngang đề án đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì những người lèo lái lại vội vàng đẩy cái khó về phía học sinh khi đặt ra hai tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội buộc các em phải lựa chọn. Trong đó, dù mang tiếng là thi các môn thành phần lấy điểm bài thi tổ hợp nhưng mỗi môn thi lại ra đề theo định hướng khác nhau, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các đề thi trong cùng tổ hợp.
Chưa biết khi nào học sinh mới thoát khỏi nỗi khổ mang tên “đổi mới thi cử”. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn một năm nữa sẽ triển khai, khi mốc thời gian năm 2020 với rất nhiều mục tiêu, đề án phải hoàn thành đã cận kề thì bài toán “đổi mới dạy học và thi cử” vẫn chưa tìm ra lời giải.