Bao giờ cho đến tháng 10 được đề nghị làm phần 2

Trong phần giao lưu sau buổi chiếu đặc biệt bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh tiết lộ nhiều thông tin thú vị về hậu trường phim. Trong đó, không ít khán giả nước ngoài từng đưa ra đề nghị ông thực hiện tiếp phần 2.

Tối 5-10, buổi chiếu khai mạc "Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng 10" được tổ chức tại cụm rạp Dcine Bến Thành (Quận 1, TPHCM). Đây là sự kiện nhằm tôn vinh 9 tác phẩm điện ảnh kinh điển của đạo diễn Đặng Nhật Minh nói riêng, của Việt Nam lẫn châu Á nói chung. Trong đó, có những bộ phim nổi tiếng như: Bao giờ cho đến tháng mười, Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 46,...

Đông đảo khán giả xếp hàng nhận vé buổi khai mạc Tháng phim Đặng Nhật Minh

Đông đảo khán giả xếp hàng nhận vé buổi khai mạc Tháng phim Đặng Nhật Minh

Trong đó, bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 (sản xuất năm 1984) được lựa chọn công chiếu mở màn. Do tối cùng ngày, đạo diễn Đặng Nhật Minh vinh dự nhận Giải thưởng Lớn tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nên không thể có mặt tại TPHCM để tham gia sự kiện.

Tuy nhiên, sau khi buổi chiếu phim kết thúc, ông đã có buổi giao lưu trực tuyến. Hàng trăm khán giả, đa phần là những người trẻ đã ngồi chật kín, thậm chí đứng ở cả lối đi của khán phòng để cùng trò chuyện với ông.

Hàng trăm khán giả đã cùng tham dự suất chiếu Bao giờ cho đến tháng 10

Hàng trăm khán giả đã cùng tham dự suất chiếu Bao giờ cho đến tháng 10

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, trong sự nghiệp làm phim của mình, giải thưởng lớn nhất không phải là những sự tôn vinh ở các liên hoan phim, giải thưởng quốc tế. Với ông, giải thưởng lớn nhất là những bộ phim ông làm ra, được người nước ngoài xem và có cảm tình hơn với con người, đất nước Việt Nam.

Trong đó, riêng với Bao giờ cho đến tháng 10, theo ông: “Xem xong họ nhận ra một điều cảm động: một bộ phim thuần chất Việt Nam, không giống phim Trung Quốc, Ấn Độ, không bắt chước bất cứ phim nào. Nó mang đậm mầu sắc văn hóa, tâm hồn Việt Nam. Họ đánh giá cao bộ phim về khía cạnh đó chứ không phải nghề nghiệp hay tài năng đạo diễn”.

Ngoài câu chuyện về việc bộ phim phải trải qua 13 lần kiểm duyệt mới được phép công chiếu, có một chi tiết rất thú vị được đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại, từ quá trình chuẩn bị và gửi kịch bản cho Cục Điện ảnh duyệt, ông đã được dặn rằng, bộ phim không nói về quan hệ yêu đương giữa anh giáo làng và người góa phụ.

Tuy nhiên theo ông: “Nếu không có mối quan hệ đó, bộ phim sẽ không thành. Chính mối quan hệ đó khiến người nước ngoài xem rất cảm động. Nhiều khán giả đề nghị tôi làm tiếp tập 2 để minh oan cho anh giáo và anh sẽ được trở lại trường cũ của mình”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ, ông vẫn chấp hành đúng quy định nhưng có chi tiết để thể hiện ý đồ của mình. Theo ông, câu nói cuối cùng của bộ phim khi nhân vật Duyên (NSƯT Lê Vân) hỏi về tình hình thầy giáo Khang qua cô giáo trẻ kia cũng chứng tỏ anh đã gieo vào cô cảm tình, sự cảm động.

Theo ông, thành công của bộ phim không đến từ sự phát hiện độc đáo mà chính từ những chi tiết như vậy.

Cho đến nay, Bao giờ cho đến tháng 10 vẫn là một trong tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam

Cho đến nay, Bao giờ cho đến tháng 10 vẫn là một trong tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam

Cũng liên quan đến Bao giờ cho đến tháng 10, trong phim ngay từ đầu và khi khép lại có một bài thơ, cũng là tựa đề được ông đặt cho tác phẩm của mình. Trong phim, nhân vật thầy giáo Khang ngoài công việc dạy học còn sáng tác thơ, gửi đi đăng báo.

Theo tiết lộ, chủ nhân của bài thơ này cũng chính là đạo diễn Đặng Nhật Minh mà theo lý giải của ông là “cảm xúc được trút hết vào trong đó”.

Bài thơ cũng chính là sự tóm lược nội dung phim, trong đó viết:

Bao giờ cho đến tháng Mười

Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi

Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau

Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu

"Tháng phim Đặng Nhật Minh – Bây giờ đã đến tháng 10" kéo dài đến ngày 29-10. Theo tiết lộ, vì số lượng chỗ ngồi hạn chế trong buổi công chiếu đầu tiên, ban tổ chức quyết định mở thêm suất chiếu bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 lúc 19 giờ 30 ngày 11-10.

Đặc biệt, tại lễ bế mạc vào ngày 29-10, ban tổ chức sẽ công chiếu bộ phim điện ảnh cuối cùng của ông – Hoa nhài. Tác phẩm được thực hiện khi đạo diễn đã bước sang tuổi 82 và vừa tham gia giải Cánh diều 2023. Dự kiến, đạo diễn Đặng Nhật Minh sẽ có mặt tại TPHCM để tham gia sự kiện và giao lưu trực tiếp cùng người hâm mộ.

Danh sách và lịch chiếu 9 bộ phim được công chiếu trong chương trình:

Cô gái trên sông (1987): 19 giờ 30 ngày 9-10

Bao giờ cho đến tháng mười (1984): 19 giờ 30 ngày 11-10

Mùa ổi (2000): 19 giờ 30 ngày 12-10

Thương nhớ đồng quê (1995): 19 giờ 30 ngày 16-10

Tháng năm: những gương mặt (1977) - “Trở Về” (1994): 19 giờ 30 ngày 19-10

Thị xã trong tầm tay (1983): 19 giờ 30 ngày 23-10

Hà nội mùa đông năm 46 (1997): 19 giờ 30 ngày 26-10

Hoa Nhài (2022): 19 giờ 30 ngày 29-10

Tin cùng chuyên mục