Trong khi người bán rau ngoài chợ dù lỗ hay lời đều phải nộp thuế mỗi ngày thì hàng năm trung bình có gần 50% doanh nghiệp (DN)… báo cáo lỗ! Tận dụng cơ chế “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”, nhiều DN khai gian, báo cáo dối để không phải nộp thuế. Trên thực tế, rất nhiều vi phạm về thuế như bán hàng không xuất hóa đơn, bán hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn chứng từ, bỏ ngoài sổ sách không báo cáo thuế… vẫn ngang nhiên tồn tại do thiếu cán bộ xử lý! Việc này bao giờ chấm dứt?
Thấy, nhưng kiểm không xuể
Mỗi năm, có đến 50% DN báo cáo thuế lỗ. Điều này gây bức xúc trong dư luận khi ngày càng có nhiều DN lỗ triền miên nhưng vẫn lớn mạnh! Trong số các DN báo cáo thuế lỗ, DN nào lỗ thật, DN nào báo cáo gian dối vẫn chưa được làm rõ. Không ít DN bán hàng với giá không thuế, không xuất hóa đơn, gây thất thu thuế của nhà nước. Ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng đến giờ cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để được là do… thiếu nhân sự. Mỗi cán bộ thuế ở quận 1, quận Tân Bình phải quản lý đến 200 DN, đọc báo cáo thuế không xuể có thời gian đâu để kiểm tra. “Tiền kiểm” cũng không đủ nhân sự, mà “hậu kiểm” cái chuyện đã rồi thì khó có thể phát hiện vi phạm. Do vậy, với cơ chế hiện nay, DN báo cáo lỗ để không đóng thuế dễ như trở bàn tay. Rõ ràng, hộ kinh doanh cá thể khi kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng thuế khoán theo mức ấn định của cơ quan thuế và số tiền đóng còn nhiều hơn khi họ phát triển thành DN. Đó là lý do vì sao nhiều cửa hàng trở thành DN, số lượng DN ngày một đông và tỷ lệ DN lỗ nhiều đến vậy.
Thiếu nhân sự, thiếu kiểm tra nên nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế ra đời. Nhiều nhà hàng tiệc cưới mỗi đêm cuối tuần thu hàng tỷ đồng nhưng không xuất hóa đơn. Đầu vào thực phẩm đã không hóa đơn chứng từ, đầu ra không hóa đơn chứng từ, DN muốn trốn thuế bao nhiêu cũng được. Nhiều cửa hàng điện máy bán hàng không xuất hóa đơn dễ dàng bán hàng lậu, hàng không chứng từ đầu vào và bỏ ngoài sổ sách, không phải báo cáo thuế… Dù những vấn đề này đã được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng không xử lý được, lý do vẫn là… thiếu cán bộ! Thế nhưng, cán bộ có thực sự thiếu?
Nơi thiếu, nơi ngồi cho đủ... đội hình
Nếu tính trung bình, ở quận 1, mỗi cán bộ thuế thu đến hàng chục tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nhiều chi cục thuế huyện ở các tỉnh mỗi năm chỉ thu được vài tỷ đồng nhưng “giàn giá” nhân sự vẫn phải đủ các phòng ban, các chức danh, lên đến 50 - 60 người/đơn vị. Tính ra, số thuế thu được chỉ đủ trả lương cho cán bộ thuế. Điều đó cho thấy sự máy móc trong việc sử dụng nhân lực của ngành thuế hiện nay. Trong khi đó, TPHCM là nơi đóng góp gần 1/3 ngân sách của cả nước, là nơi tập trung các DN lớn, nhiều năm liền kêu thiếu cán bộ nhưng vẫn không được giải quyết. Thực tế cho thấy, chỉ cần một vụ thanh kiểm tra của cơ quan thuế TPHCM, số tiền truy thu, xử phạt có thể bằng số thu của một chi cục ở tỉnh trong một năm. Nhưng vì thiếu nhân sự, mỗi năm ngành thuế TP chỉ kiểm tra được khoảng vài phần trăm số DN (trong khi số báo cáo lỗ lên đến 50%). Tại sao ở các huyện có nguồn thu ít lại không tổ chức cơ quan thuế theo hình thức liên kết thành cơ quan thuế liên huyện để giảm nhân sự. Rồi dùng nhân sự dư thừa điều chuyển bổ sung cho TP, đáp ứng yêu cầu công việc thực tế của một thành phố lớn, có số thu lớn như TPHCM. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cắt bớt các khoản thu chợ đối với người nghèo để tạo điều kiện cho họ làm ăn và tập trung nhân sự vào nơi khác, kiểm tra, truy thu ở 50% số DN báo cáo lỗ. Nguồn thu chính là ở chỗ này.
Vấn đề mà dư luận quan tâm là thực hư việc báo cáo thuế lỗ trong gần một nửa số DN. Tại sao ngành thuế không tập trung nhân sự xử lý vấn đề “báo cáo lỗ, không phải đóng thuế”. Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ra đời đã tiêu tốn thời gian, công sức của cán bộ thuế quá nhiều, mà số thu lại chẳng bao nhiêu. Có lẽ, việc ấn định mức giá tính thuế quá lạc hậu (chỉ 4 triệu đồng/người/tháng) nên số lượng người chịu thuế quá đông. Nhưng nếu nhìn vào kết quả quyết toán thuế sẽ thấy, không ít người lao động chỉ được hoàn thuế vài ngàn đồng, vài chục ngàn đồng/năm. Do cán bộ không làm xuể nên phải nhiều lần dời thời hạn quyết toán thuế từ tháng 3 đến hết tháng 7 vẫn chưa xong. Hiện giờ công tác quyết toán thuế TNCN ngốn quá nhiều thời gian của cán bộ thuế, trong khi cán bộ thuế lại thiếu trầm trọng. Nhưng rồi số tiền thu từ thuế TNCN gần như chỉ đủ trả lương tăng thêm.
Hàn Ni
TPHCM: Thu giữ nhiều hàng lậu Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, Đội QLTT 5A vừa thu giữ của cửa hàng kinh doanh Thành Huyền Trang (số 55/5 Trần Đình Xu, quận 1) hơn 8.500 đơn vị mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 77 triệu đồng. Đội QLTT 5B cũng thu giữ của các sạp kinh doanh quần áo may sẵn ở Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông hơn 1.000 quần jeans, kaki nam và gần 6.500 quần áo ngoại nhập các loại không hóa đơn chứng từ. Đội QLTT 6B thu giữ của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Yahgo Việt Nam (số 28-30-32-34 đường số 26, phường 11, quận 6) 101 sợi dây titan không hóa đơn chứng từ, khoảng 131 triệu đồng. Đội QLTT 10B thu giữ của cửa hàng kinh doanh sữa, bánh kẹo Hoàng Dung (số 666/56 đường Ba Tháng Hai, quận 10) 146 lon sữa ngoại không hóa đơn chứng từ. L.Long |