Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ: Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn, carbon thấp…
“Để giải quyết được bài toán này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao hơn nữa tính thực tiễn của các quy hoạch về bảo tồn. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm trong lĩnh vực môi trường ngoài tri thức, tình yêu với môi trường còn cần có ứng xử, trách nhiệm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân để giải quyết mối quan hệ con người với tự nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 3 bài trình bày về giới thiệu Thập kỷ Liên hiệp quốc về Phục hồi hệ sinh thái; Đánh giá các hệ sinh thái quốc gia và đề xuất một số định hướng phục hồi hệ sinh thái tại Việt Nam; Vấn đề phục hồi hệ sinh thái và thực tiễn ở Việt Nam.
PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đối với hệ sinh thái rừng, mặc dù diện tích rừng tăng từ 7,8 triệu ha năm 1981 lên 14,6 triệu ha năm 2019 nhưng hiện tượng mất rừng vẫn tiếp diễn phức tạp tại nhiều nơi, từ vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tính đến năm 2020, độ che phủ rừng ở nước ta đã lên 42%, nhưng trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%.
Đối với hệ sinh thái biển, biến đổi khí hậu đã làm cho đa dạng sinh học vùng bờ cùng với nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Những năm gần đây, sự suy giảm nhanh chóng của hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, ngoài nguyên nhân chủ yếu do tác động trực tiếp của con người, biến đổi khí hậu cũng là yếu tố chính, đang đe dọa các hệ sinh thái quan trọng này. Ngoài ra, khai thác quá mức, tổ chức quy hoạch quản lý vùng ven biển, vùng biển thiếu khoa học và chưa hợp lý cũng làm suy giảm các hệ sinh thái.
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm thống nhất xác định và đặt thứ tự ưu tiên cho những vùng và khu vực cần được thực hiện công việc phục hồi sinh thái; tổng kết những mô hình thành công và thất bại cho các chương trình phục hồi hệ sinh thái để rút kinh nghiệm và nhân rộng; xây dựng chương trình đào tạo về phục hồi hệ sinh thái trong các trường đại học và viện nghiên cứu; xác định và phân bổ nguồn lực cho công tác phục hồi hệ sinh thái cả ở cấp quốc gia và địa phương.