Việc xuất bản theo lối vừa dựa dẫm vừa ỷ lại đối tác liên kết khiến nhiều xuất bản phẩm sai sót cả về nội dung, tư tưởng, hình thức… là thực trạng đáng báo động.
Biên tập viên giữ vai trò sống còn trong việc đưa ra thị trường những xuất bản phẩm có chất lượng
Hàng loạt vi phạm
Theo đại diện Vụ Báo chí - Xuất bản, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy không bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp hơn. Tình trạng buông lỏng quản lý, để cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở nhiều nhà xuất bản. Xu hướng tập trung chạy theo lợi nhuận, không chú ý đúng mức chất lượng văn hóa của sản phẩm, đến tính đặc thù của hoạt động xuất bản tiếp tục tăng, tạo ra những hệ lụy lớn, trước hết là hiện tượng tăng tỷ lệ sách sai phạm, xuống cấp về chất lượng ở các sản phẩm sách liên kết, tạo nên sự hỗn loạn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của thị trường xuất bản phẩm.
Trong quý 3-2016, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 53 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức xử lý như: yêu cầu nhà xuất bản tái bản phải sửa chữa; sửa chữa, đính chính lỗi sai; đình chỉ phát hành để sửa chữa; đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung; yêu cầu các nhà xuất bản phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong khâu biên tập.
Những trường hợp sai sót kể trên thể hiện sự thiếu nhạy cảm chính trị của giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản. Bên cạnh đó, sự thiếu tính chuyên nghiệp vẫn là hạn chế lớn của lực lượng lao động tại nhà xuất bản. Đội ngũ lao động nhà xuất bản mới đáp ứng được yêu cầu ở mức độ trung bình. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên tập viên các nhà xuất bản đang đứng trước những thách thức gay gắt. Trên 50% lãnh đạo nhà xuất bản không qua đào tạo chuyên ngành xuất bản.
Hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng biên tập viên có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm do tính chất yêu cầu công việc cao trong khi thu nhập của nghề nghiệp biên tập thấp so với mặt bằng chung khiến các nhà xuất bản khó thu hút nguồn lao động có chuyên môn cao, gắn bó lâu dài với nghề. Cơ cấu lao động xuất bản bất hợp lý, lực lượng lao động gián tiếp còn cao, chiếm đến 37,19% ở các nhà xuất bản. Công tác đào tạo và bồi dưỡng lao động ở các nhà xuất bản thiếu tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, thường bị động, theo nhiệm kỳ, dẫn đến chất lượng lao động chậm được cải thiện.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, cho rằng: “Công tác biên tập chính là mắt xích quyết định chất lượng hoạt động xuất bản của một đơn vị, một dân tộc, một quốc gia. Người làm công tác biên tập là nhân tố quyết định sự thành bại của ngành xuất bản. Việc quan tâm sinh hoạt nghiệp vụ cho biên tập viên trong ngành xuất bản là việc rất quan trọng”.
“Bệnh văn phòng” của biên tập viên
Cũng bàn về những ưu điểm cũng như hạn chế của các biên tập viên của các nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhận định: “Tuổi đời trung bình của biên tập viên hiện nay trẻ hơn nhiều so với những người làm biên tập vài chục năm trước đây, nên có khả năng nhanh nhạy trong việc nắm bắt những yếu tố mới. Nhưng nhiều biên tập viên có kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành còn mỏng. Đặc biệt, nhiều biên tập viên vẫn có tư duy xa rời thực tiễn, ngại tiếp xúc với thị trường xuất bản, mắc “bệnh văn phòng”, chưa nắm bắt được nhu cầu xã hội, chưa đề xuất được đề tài và tổ chức được các bản thảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Nam (NXB Trẻ) cho rằng: “Biên tập viên gặp sai sót về kiến thức, chuyên môn, một phần do biên tập viên quá tải, một phần do biên tập viên cẩu thả và phần lớn là do biên tập viên thiếu năng lực thật sự. Chính vì thế, biên tập viên nhất thiết cần có cặp mắt tinh tường và cái đầu sáng suốt cần có kiến thức rộng lẫn chuyên sâu để tránh rơi bào bẫy sai do tin tưởng hoàn toàn vào người viết mà thiếu phân tích đánh giá…”.
Đặc biệt, ngày nay biên tập viên của nhà xuất bản không thể chỉ ngồi chờ tác giả mang bản thảo tới cho mình biên tập, mà vai trò của biên tập viên trong việc tổ chức bản thảo và làm việc với các cộng tác viên, tác giả, dịch giả là vô cùng to lớn. Nếu một biên tập viên không có khả năng tổ chức bản thảo, không có ý tưởng hay tư duy về dàn trang, thiết kế bìa hay ý tưởng về kênh bán hàng, truyền thông thì khó lòng trở thành một biên tập viên giỏi. Các biên tập viên giỏi phải xem việc biên tập một cuốn sách từ đầu cho đến lúc đến tay bạn đọc như một nhà quản lý một dự án sách và theo đuổi dự án sách đó đến cùng.
Xác định vị trí của các biên tập viên có ý nghĩa quan trọng đối với xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đồng thời tiếp thu ý kiến từ các đơn vị xuất bản đề xuất xây dựng cơ chế ưu đãi đối với biên tập viên để có thể có một đội ngũ “gác cổng” chuyên nghiệp trong xuất bản.
MAI AN