Trở thành “cái bang”
Đều đặn mỗi ngày vào khoảng 7 giờ sáng và 5 giờ chiều, khi nhà chùa tập kết rác để xử lý, cũng là lúc đàn khỉ kéo tới để kiếm ăn. Có mặt tại bãi tập kết rác nằm sau khuôn viên chùa Linh Ứng, chúng tôi ghi nhận cảnh 1 đàn khỉ hơn 40 con đang tranh giành thức ăn thừa ngay khi nhân viên vệ sinh vừa đổ rác. Cá biệt, nhiều con còn bất chấp để kiếm ăn ngay cả khi rác đang được đốt ngùn ngụt khói.
Một công nhân vệ sinh ở đây cho biết: “Khoảng đầu năm nay, đàn khỉ bắt đầu kéo đến bãi rác và ngày càng đông lên do có nhiều thức ăn thừa. Chúng không đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn các cây gần bãi rác của chùa, chờ đến khi có chúng tôi đến đổ rác là lao xuống. Tụi nó chẳng sợ người như trước nữa, mất tập tính tự nhiên rồi”.
Từ trái cây, bánh ngọt đến cả những que kem lạnh buốt... đều được các du khách vứt cho đàn khỉ đang đợi sẵn trên các cành cây hoặc tường rào của chùa. Một lần, hai lần rồi nhiều lần sau và đã thành thói quen, những con khỉ tại đây thường xuyên túc trực để được cho ăn và không thèm về lại nơi chúng được sinh ra.
Đặc biệt, nhiều du khách còn chọc ghẹo đàn khỉ “cái bang” này, dẫn đến việc chúng dần trở nên hung hãn để tự vệ. Theo những người làm công quả tại chùa, đã có trường hợp du khách bị khỉ tấn công đến trầy xước do chọc ghẹo chúng.
Từ việc thay đổi môi trường sống đến thay đổi thành phần thức ăn đã khiến cho những người có chuyên môn lo ngại. Tiến sĩ Hà Thăng Long, chuyên gia động vật học từ Hội động vật học Frankurt (Đức), đồng thời là Chủ tịch hội đồng sáng lập trung tâm GreenViet đã nêu ra nhiều vấn đề của hệ quả này.
Theo ông Long, thức ăn thừa của con người đem đến đã dần thay đổi thành thức ăn chính của khỉ tại đây. Thay vì chúng phải tự tìm nguồn thức ăn theo mùa sinh trưởng của cây và con trùng nhỏ thì nay, chúng ăn những loại thức ăn nhân tạo. Việc này làm đàn khỉ tại đây lười biếng trong việc tìm thức ăn, ảnh hưởng rất lớn trong động vật hoang dã. Thức ăn đã qua chế biến của con người và thức ăn tự nhiên của loài khỉ cách nhau hàng triệu năm tiến hóa, phát triển.
Tiến sĩ Long cho rằng, những thức ăn thừa này tiềm ẩn nhiều rủi ro với tập tính, hành vi của đàn khỉ và hệ sinh thái rừng Sơn Trà. Đầu tiên, tập tính tìm thức ăn trong tự nhiên sẽ hoàn toàn biến mất, điều sẽ gây ra rủi ro rất cao khi mà đàn khỉ sẽ không biết chọn thức ăn không có độc trong tự nhiên.
Sau một vài thế hệ, đàn khỉ này sẽ mất hoàn toàn tập tính tìm thức ăn trong tự nhiên, khi chúng đã phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn đến từ bãi rác, các du khách cho chúng. Nếu một ngày thức ăn do con người mang tới không còn nữa thì nguy cơ đàn khỉ bị thoái hóa hoặc giảm số lượng là rất lớn.
Tiến sĩ Long cũng khuyến cáo: “Nhà chùa nên sớm tập kết, vận chuyển rác thường xuyên ra khỏi khu vực chùa thay vì tập kết lại và đốt như hiện nay. Nếu làm được điều này sẽ không còn việc khỉ đến kiếm ăn tại khu vực bãi rác và xin ăn từ du khách. Nếu làm ngay từ bây giờ thì còn kịp, vì không có nguồn thức ăn từ con người thì hoạt động tìm thức ăn trong tự nhiên của chúng sẽ trở lại như trước kia. Mọi việc xảy ra như hôm nay đều do con người, khỉ chỉ là nạn nhân”.